Trong tâm thức của người Việt tự bao đời nay. Tết không chỉ là tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới. Mà còn mang đậm tính tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên. Người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình. Với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Đi lễ chùa đầu năm cũng là nét văn hóa truyền thống được gìn giữ suốt hàng ngàn năm qua của người con đất Việt.

Lễ chùa đầu năm – một hoạt động gắn liền với đạo Phật đã trở thành một tập tục đẹp luôn được duy trì trong mỗi người con, mỗi gia đình Việt Nam. Đây được xem là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian đã gìn giữ và lưu truyền trong suốt ngàn năm qua.

Ý nghĩa việc đi lễ chùa đầu năm

Theo cuốn sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam đã được Thượng tọa Thích Thanh Duệ – Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam thẩm định và hiệu đính, NXB Văn hoá Thông tin, chùa là nơi thờ Phật, cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng công cộng của người Việt Nam từ xưa tới nay, mang ý nghĩa vô cùng to lớn.

Đi lễ chùa đầu năm mang ý nghĩa rất lớn trong văn hóa người Việt Nam.

Theo phong tục cổ truyền mọi người Việt Nam trong các ngày Rằm, mồng Một, ngày lễ Tết, cùng những ngày có việc hệ trọng, thường đến chùa lễ Phật với tấm lòng thành cầu khấn nhờ nghiệp lực vô biên của Phật, của chư vị Bồ Tát, Hiền thánh mà được thiện duyên, gặp may cầu cho được: Mạnh khoẻ, sống lâu, tai qua, nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, có con nối dõi, yêu vui thân mệnh, gia đình hoà thuận, hạnh phúc an khang.

Sắm sửa lễ chùa

Việc sửa soạn đi lễ chùa đều có những quy định mà người hành lễ phải tuân thủ:

Chỉ được sắm lễ chay hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè… Không được sắm sửa lễ mặn chư cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt mồi, gà, giò, chả…

Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực Chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính diện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi Chùa.

Chỉ sắm lễ đồ chay hoa quả để dâng lễ Phật.

Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng, lễ Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì chủ đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.

Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ tát và tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện. Tiền, vàng công đức nên để vào hòm công đức đặt tại chùa.

Hoa tươi lễ Phật là: Hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu, hoa cúc… Không nên dùng các loại hoa tạp, hoa dại.

Dâng hoa tươi lễ Phật.

Trước ngày dâng hương lễ Phật ở chùa cần chay tịnh trong đời sống sinh hoạt ngày thường: ăn chay, kiêng giới, làm việc thiện.

Cách bày lễ ở các ban

Ban Tam Bảo: Khi bày thì phải đầy đủ gồm 5 món: hương – đăng (nến) – hoa – quả – nước. Nếu thiếu cũng không sao chỉ cần tấm lòng thành kính. Lưu ý không được để tiền thật, tiền vàng, tiền hàng mã và đồ lễ mặn.

Các ban thờ khác trong chùa như ban Mẫu, ban Đức Ông, ban Thánh Hiền, ban vong,… Chỉ cần thắp hương 3 nén rồi thực hiện lời cầu khấn khi đi lễ chùa. Tùy thuộc vào thí chủ muốn cầu nguyện gì để chuẩn bị lễ tại các ban cho phù hợp.

Các ban thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu: có thể bày sắm lễ tam sinh (thịt gà, giò, chả…) và tiền vàng mã, tiền âm phủ.

Lễ bày ở Ban Tam Bảo.

Các bước hành lễ khi đi chùa

1. Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ ban thờ Đức Ông trước.

2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Chúa xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.

3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu Chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.

4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu)

5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.

Mọi người chắp tay niệm Phật, cầu mong cho năm mới bình an.

ĐỌC THÊM: