Chiang Mai – Đóa hồng phương Bắc luôn có một sức hút không thể cưỡng lại với bất cứ ai từng đặt chân đến đây. Bí kíp du lịch tới đây là để được hít căng một bầu không khí trong lành, tận hưởng vài ngày “sống chậm” giữa một thành phố tràn ngập màu xanh mướt đến từng góc phố nhỏ, vứt lại đằng sau cuộc sống ồn ào tấp nập nơi phố thị kia. Vậy khi đến vùng đất này, chúng ta được trải nghiệm những gì, chơi gì khi đi du lịch Chiang Mai tự túc?

Đến Chiang Mai để khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của những vương quốc cổ xưa còn để lại. Đến để được một lần nhìn những chùm đèn lồng vút bay, rực sáng cả bầu trời đêm vào lễ thả đèn Yi Peng. Dù vì bất cứ lý do nào, đã từng ở Chiang Mai Thái Lan thì ai ai cũng đều muốn quay trở lại lần nữa.

lễ hội đèn trời ở chiang mai
Lễ hội Loy Krathong diễn ra tháng 11 hàng năm tại Chiang Mai Thái Lan | Credit: TripSavvy

Chiang Mai đẹp nhất khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, bạn có thể vui chơi hết mình vì đây là mùa thời tiết dễ chịu mát mẻ nhất, sáng và chiều trời se se lạnh, trưa có nắng nhưng không gắt.

Thời điểm này bạn không phải lo chơi gì ở Chiang Mai vì có nhiều lễ hội lớn như Loy Krathong, Yi Peng vào tháng 11, Festival hoa tháng 2, đầu năm còn có mùa hoa sakura nở rực cả con đường. Do đó khách du lịch Chiang Mai Thái Lan vào khoảng thời gian này rất đông.

Tầm tháng 5 đến tháng 8 thì khách du lịch ít đông hơn chút chút, do đây là mùa mưa ở Thái Lan, để đảm bảo an toàn cho du khách nên một số địa điểm sẽ tạm thời đóng cửa.

Thời gian lý tưởng tối thiểu để khám phá vui chơi thỏa thích ở Chiang Mai là khoảng từ 7-10 ngày. Riêng người viết đi lần đầu xong chỉ muốn ở hẳn cả tháng hết visa thì về 😛 Nếu đi dài ngày có thể kết hợp đi Chiang Rai, Pai, Lampang, Mae Hong Son, Sukhothai làm luôn combo Bắc Thái là hết xảy.

PHẦN 1: DI CHUYỂN

1. Đi gì để đến Chiang Mai

Cách 1: Bay thẳng tới Chiang Mai

Hiện nay đường bay thẳng một mạch từ Hồ Chí Minh đến Chiang Mai của Vietjet Air. Còn lại các hãng khác thì các chuyến bay từ Việt Nam tới Chiang Mai đều phải quá cảnh ở Bangkok.

Hiện nay có 2 hãng giá rẻ khai thác dạng bay thẳng có nối chuyến tại sân bay Don Mueang là Nok AirAir Asia.

máy bay nokair bay thẳng đến chiang mai
Ảnh minh hoạ một em máy bay màu mè chim chích choè của Nok Air | Credit: The Flight Reviews

Cách di chuyển này rất có lợi về mặt thời gian cho những bạn chỉ đi ngắn ngày để dành nhiều thời gian khám phá Chiang Mai hơn. Thông thường chỉ mất hơn 5 tiếng tính cả thời gian quá cảnh mà thôi.

Cách phục vụ theo dạng bay này cũng rất “sang chảnh”: xuống sân bay Bangkok có ngay nhân viên đứng đợi ở cửa máy bay, dẫn hành khách ra cửa riêng nhập cảnh cho chuyến bay tiếp, hành lý được gửi thẳng tới Chiang Mai không cần phải check out rồi check in lại, xuống điểm đích thì có nhân viên đứng đợi dẫn đi lối tắt để lấy hành lý (hành lý được ưu tiên ra băng chuyền trước).

Giá vé tại thời điểm khuyến mại dao động từ 3tr5 tới 4tr5/khứ hồi tùy hãng. Các đợt khuyến mại luôn có liên tục, cứ canh vé tầm 3 tháng trước thời điểm đi là ổn.

Cách 2: Bay tới Bangkok và lựa chọn 1 trong 3 cách di chuyển sau:

+ Bay tiếp:

Nếu bạn lựa chọn bay tiếp thì nên giãn khoảng cách giữa 2 chuyến tối thiểu 3-4 tiếng phòng trường hợp chuyến bay từ Việt Nam tới Bangkok bị hoãn, bị trễ. Và nếu 2 chuyến là 2 hãng bay khác nhau thì nên chọn 2 hãng cùng hoạt động tại 1 sân bay, nếu không bạn sẽ mất thêm thời gian di chuyển từ sân bay Survanaburmi tới sân bay Don Mueang hoặc ngược lại.

Sơ sơ mỗi ngày phải có gần 50 chuyến bay của rất nhiều hãng khác nhau từ Bangkok tới Chiang Mai. Giá vé lúc khuyến mại sẽ tầm 600 Baht – 900 Baht tùy hãng.

Với cách di chuyển này, sau khi xuống sân bay ở Bangkok, bạn sẽ đi qua cửa nhập cảnh, lấy hành lý ở băng chuyền, tiếp theo là di chuyển sang khu vực sân bay nội địa, tại đây bạn check in hành lý và nhận vé cho chuyến bay tới Chiang Mai, sau đó qua khu vực kiểm tra an ninh một lần nữa để ra cửa đợi tàu bay.

+ Đi tàu hỏa:

Thời gian đi tàu khoảng 11-12 tiếng xuất phát từ nhà ga Hualampong. Nếu bạn có nhiều thời gian và muốn ngắm cảnh thì đi tàu hỏa là lựa chọn tuyệt vời nhất. Không gì ấn tượng hơn khi được ngắm cảnh bình minh lên những dãy núi hùng vĩ xanh mướt rượt.

Có 2 cách để mua vé tàu hỏa:

  • Cách 1: Mua vé ở nhà ga

Sau khi tới Bangkok, bạn di chuyển đến nhà ga Hualampong để mua vé ở cửa bán vé dành cho du khách nước ngoài.

  • Cách 2: Mua vé online

Bạn có thể đặt vé qua webite bán vé online (e-ticket) của Tổng cục Đường sắt Thái Lan, du khách sẽ không phải đến nhà ga xếp hàng chờ, không phải lo hết vé chỗ mình muốn.

Trên trang web bán vé chính thức với 2 ngôn ngữ TháiAnh, bạn đăng ký một tài khoản để mua vé, trả tiền vé qua thẻ Visa và vé sẽ được gửi đến địa chỉ email bạn đã đăng ký. Bạn có thể mua vé online sớm nhất là 60 ngày, chậm nhất là 2 tiếng trước giờ xuất phát. Mỗi lần bạn sẽ được mua tối đa 4 vé.

Lưu ý: không giống như ở Việt Nam, chỉ cần trình vé điện tử trên điện thoại hay máy tính bảng là bạn được lên tàu, ở Thái trước khi lên tàu bạn cần in vé ra thì vé đó mới được chấp nhận nhé. Và nhất định không được quên cầm passport theo để xuất trình cùng vé cho nhân viên nhà ga.

Nên chọn tàu số 9 cho chuyến tới Chiang Mai và tàu số 10 cho chuyến về Bangkok vì đây là 2 tàu chất lượng cao rất mới và đẹp, giờ đi giờ đến còn giúp bạn tiết kiệm tiền trọ 1 đêm, lại còn được ngắm trọn vẹn cảnh mặt trời mọc (chiều đi Chiang Mai 18:10 – 07:15, chiều về Bangkok 18:00 – 06:50).

Nếu bỏ nhỡ 2 con tàu trên thì bạn có thể chọn tàu số 13, 14, tuy độ “sang, xịn, mịn” không bằng tàu 9, 10 nhưng cũng hiện đại sạch sẽ, đặc biệt bạn sẽ được chộp lại những khung cảnh thiên nhiên đẹp nhất khi tàu gần đến Chiang Mai Thái Lan vào ban ngày.

Còn nếu bạn nhất quyết phải ngắm cảnh đẹp từ A đến Z giữa ánh sáng ban ngày thì tàu số 7, 8 là lựa chọn tốt nhất nhé.

Về chỗ ngồi trên tàu được chia thành 3 hạng vé với mức giá khác nhau từ 400 – 1600 Baht:

+ Hạng nhất là giường nằm có điều hòa chỉ có ở các tàu chạy đêm, giá vé cao nhất.

+ Hạng hai là giường nằm và ghế ngồi có điều hòa hoặc không có điều hòa.

+ Hạng ba là ghế cứng và cũng là vé có giá rẻ nhất.

Đường sắt Thái cũng có quy định về hành lý lên tàu, mỗi khách được phép mang một vali lớn và một hành lý xách tay. Trọng lượng cho phép là 60kg với vé hạng nhất, 40kg với vé hạng 2 và 30kg với vé hạng 3.

+ Đi xe bus:

Các xe bus xuất phát từ bến Mochit (Bangkok) tới Chiang Mai sau 7- 8 tiếng. Giá vé vào khoảng 500-700 Baht, mùa lễ hội thì mức giá có thể đội lên một chút. Để mua vé xe thì bạn có thể mua trong ngày hoặc trước vài ngày để có được chỗ ngồi tốt.

Thường hành khách sẽ lựa chọn các chuyến xe chạy đêm dạng giường nằm điều hòa để vừa đảm bảo sự thoải mái, bớt được chi phí trọ và tiết kiệm thời gian nhất.

2. Di chuyển bằng gì ở Chiang Mai

Từ sân bay về trung tâm:

+ Taxi sân bay:

Đây là cách khá tiện khi du lịch Chiang Mai Thái Lan tự túc. Nếu chọn taxi của sân bay thì bạn cần ra quầy mua vé. Quầy vé này đối diện cửa Exit chỗ lấy hành lý nên chả cần phải tìm kiếm đâu xa. Nhân viên sẽ hỏi mình là sẽ đi về đâu, bao nhiêu người, hành lý nhiều hay ít. Tiền taxi sẽ đưa trực tiếp cho tài xế chở mình chứ không phải trả ở quầy.

Sau khi đưa vé nhân viên sẽ chỉ cho bạn ra cửa Door 1 của sân bay để nhận xe. Khoảng cách từ quầy vé ở Door 7 tới Door 1 cũng khá dài, cứ đi thẳng 1 mạch tới nơi thì đưa vé cho nhân viên đứng túc trực ở đấy, họ sẽ chuyển vé cho 1 tài xế, cứ việc đi theo tài xế được chỉ định, lên xe và trả tiền tại điểm dừng là được.

+ Taxi theo hãng:

Cấu trúc sân bay Chiang Mai khá đặc biệt, từ cửa ra của sân bay, bạn phải qua 1 khoảng sân lớn thì mới tới cổng chính ra vào sân bay. Tất cả taxi không phải của sân bay đều phải đỗ ở bên ngoài cổng này. Cứ ra đến cổng là sẽ thấy 1 loạt xe taxi xanh-vàng đang đỗ đợi khách.

+ Xe 16 chỗ:

Ở cửa ra sân bay, thường hay có dịch vụ của các công ty tư nhân giúp hành khách tiết kiệm tiền bằng cách đi ghép, ngồi chung xe vans về trung tâm.

+ Xe riêng đưa rước sân bay:

Xe đưa rước sân bay Chiang Mai đến tận khách sạn hoặc chiều ngược lại của KKday vô cùng tiện nghi, thoải mái, dành cho cá nhân hay nhóm <9 người, hành lý lỉnh kỉnh, gia đình đi cùng trẻ em… đều phù hợp. Chia ra chỉ tầm 70,000 đồng/người, rẻ sững sờ luôn!

Di chuyển ở Chiang Mai

Theo kinh nghiệm đi du lịch chiang mai thái lan của mình thì khác với Bangkok, giao thông ở Chiang Mai tốc độ có phần nhẹ nhàng hơn, đi lại cũng dễ dàng hơn với cực kỳ nhiều lựa chọn:

+ Song Thaew (sỏng thẻo):

Là phương tiện lưu thông phổ biến đến mức nếu trong bất cứ tấm hình nào có bóng dáng chiếc xe song thaew màu đỏ thì không cần nói người ta cũng biết bạn đang ở Chiang Mai Thái Lan. Bất cứ ai đến đây cũng nên ngồi trên sỏng thẻo một lần mới được gọi là đã đi du lịch Chiang Mai.

di chuyển bằng song thaew
Xa xa là bóng dáng song thaew – phương tiện di chuyển phổ biến tại Chiang Mai Thái Lan | Credit: The Travel Brief

Để gọi xe sỏng thẻo, cứ đứng bên đường và vẫy bất kỳ chiếc xe màu đỏ nào mà bạn thấy, tài xế dừng lại và hỏi bạn đi đâu, nếu trong cung đường mà xe sẽ đi qua, tài xế sẽ OK và nói bạn lên xe, nếu không thì họ sẽ từ chối và bạn lại đợi xe tiếp theo xuất hiện. Yên tâm là sỏng thẻo ở đấy nhiều như mây, chưa đến một phút là bạn có thể ngồi trên một con xe khác rồi.

Chú ý trước khi lên xe nhớ hỏi giá và mặc cả, thông thường giá đi 1 người sẽ khoảng 20-40 Baht/chặng.

+ Bao xe:

Một kinh nghiệm đi du lịch Chiang Mai Thái Lan tự túc nữa là nếu đi du lịch theo nhóm thì đây chăc chắn là lựa chọn tuyệt vời nhất. Phương án này là ổn nhất khi muốn đi chơi ở Chiang Mai được nhiều nơi mà không thạo đường. Hình thức này rất được khách du lịch ở Chiang Mai ưa chuộng, đặc biệt là khách lần đầu đến, bởi các bác tài xế chém gió tiếng Anh chưa thạo nhưng lại rất nhiệt tình.

Thông thường 1 gói bao xe như này sẽ bao gồm chi phí tài xế, phí thuê xe và xăng, chưa tính những khoản khác như vé vào cửa cho xe và tip cho tài xế (nếu muốn).

Gói bao xe phổ biến nhất là bao xe 10 tiếng. Bạn có thể thuê xe đi các tỉnh lân cận trong ngày như Chiang Rai hoặc đi chơi xung quanh thành phố Chiang Mai trong vòng 10 tiếng đồng hồ với lịch trình tuỳ bạn đề xuất và sắp xếp.

+ Grab

Nếu bạn đi nhóm thì có thể mua mã khuyến mãi Grab cho nhóm tối đa 5 người để tiết kiệm chi phí. Nếu có sim 4G đặt trước và nhận sim ngay tại VN với sóng to sóng khoẻ cùng code khuyến mại thì giá cả sẽ rẻ hơn cả sỏng thẻo và đỡ công mặc cả.

Nhưng lượng xe thì không nhiều và đôi khi phải đợi khá lâu mới có xe. Tài xế có thể biết tiếng Anh hoặc không nên các bạn cần cân nhắc chuẩn bị sẵn địa chỉ trên giấy hen.

+ Tuk tuk:

Nếu bạn muốn thử cảm giác mạnh, du lịch Chiang Mai theo phong cách mạo hiểm và được luồn lách trong các ngõ ngách siêu hẹp thì hãy một lần ngồi xe Tuk Tuk. Tuy tốc độ không “khủng” như ở Bangkok nhưng thỉnh thoảng những cú cua ngoặt, bóp phanh cực ngọt của bác tài cũng đủ làm bạn thót tim.

Người viết đã được trải nghiệm cách đi tắt từ đường A sang đường B của bác tài bằng cách lùa xuống hầm gửi xe của 1 tòa cao tầng rồi phi thẳng lên mà tốc độ chẳng hề giảm một chút nào.

đi lại bằng xe tuk tuk ở chiang mai
Tham gia cuộc đua Fast & Furious version Tuk Tuk Thái đi nào | Credit: TripSavvy

Là phương tiện mang tầm thương hiệu của Thái Lan rồi nên độ chặt chém cũng cao hơn hẳn sỏng thẻo. Cần trả giá trước khi ngồi lên xe, cứ tầm 6km trả giá được khoảng 30 Baht/người là ổn.

+ Xe máy, xe đạp:

Nếu đi gần thì có thể thuê xe đạp (50 Baht/ngày), đi xa hơn chút thì thuê xe máy (200 – 250 Baht/ngày, không bao gồm xăng xe). Có thể thuê xe ngay khách sạn, hostel mà mình ở hoặc đi vòng quanh quan sát một chút xem chỗ nào cho thuê xe mới hơn, đẹp hơn để lựa chọn còn lên hình “sống ảo” nữa chứ. Thủ tục thuê xe sẽ yêu cầu bạn đặt cọc tiền hoặc giữ lại hộ chiếu khi ký hợp đồng thuê.

đường phố ở chiang mai
Ở Thái, chiều đi là bên trái, ngược với Việt Nam | Credit: Wikipedia

Lưu ý là bên Thái khác Việt Nam, chiều đi bên trái, nếu thuê xe đi cần cẩn thận, nhất là xe máy, lơ ngơ quá gặp xui đụng phải anh cảnh sát Thái mà không trình được bằng lái, phải đóng tiền phạt thì chuyến đi cũng mất vui chút chút. Tuy hiếm nhưng không phải không có, đặc biệt vào các ngày lễ lớn, cảnh sát rất đông để kiểm soát an ninh.

Khi đã chuẩn bị xong xe cộ và trang bị một nùi kinh nghiệm du lịch Chiang Mai Thái Lan tự túc rồi thì bắt đầu lên đường khám phá Chiang Mai thôi, ăn gì ngon nhất, chơi gì ở Chiang Mai, đồ mua ở đâu chuẩn Thái nhất, đi đâu “sống ảo” đẹp nhất, tất tật sẽ được bật mí trong Nắm trọn bí kíp du lịch Chiang Mai, Thái Lan – P2: Ở Đâu, ăn gì, chơi  gì?Bí kíp du lịch Chiang Mai, Thái Lan – P3: chơi  gì ở Chiang Mai?các bạn tiếp tục theo dõi nhé!

CTV Huệ Nguyễn (Wind Chimes)

edited by Helena Truong

Xem thêm: