Đi thế nào

Hiện nay, giá vé máy bay tới Nepal, cụ thể là thủ đô Kathmandu còn khá đắt đỏ. Nhưng bạn hoàn toàn có thể săn được vé máy bay với giá tốt, khoảng từ 300 USD đến 400 USD, qua hãng Malindor Air hoặc Malaysia Airlines (săn vé rẻ từ Việt Nam qua Kualar Lumpur ở Malaysia rồi tiếp tục hành trình đến Kathmandu), hoặc hãng Thai Airways (transit tại Bangkok, Thái Lan).

Bạn sẽ làm thủ tục visa ngay khi đến sân bay Kathmandu mà không cần xin visa trước tại Việt Nam, với lệ phí là 25 USD.

Chuẩn bị gì trước chuyến đi

Nếu bạn xác định muốn đi leo núi, hãy luyện tập kỹ về thể lực trước một hoặc hai tháng trước chuyến đi. Các dụng cụ đi trekking cơ bản mà bạn nên có như một đôi giày tốt, quần áo thoải mái và giữ ấm cùng với mũ, bao tay, kính mát, cộng với gậy đi trekking. Trong đó, đôi giày là quan trọng nhất, bạn nên chuẩn bị những đôi giày chống nước, đi êm chân, cần đi thử ở nhà xem chân có bị khó chịu không.

Ngoài ra, bạn nên mang theo một số loại bánh kẹo ngọt cũng rất có ích trong việc tiếp thêm năng lượng trong hành trình dài. Bởi lẽ, đi đường dài rất dễ bị tụt đường huyết, khi đó chỉ cần chiếc bánh hay kẹo cũng cải thiện đáng kể tình hình. Các loại thuốc đau đầu, đau bụng, chống dị ứng hay thuốc chống côn trùng cũng rất cần thiết.

Cách tốt nhất là bạn nên đặt tour qua một công ty uy tín. Bên tour sẽ lo hết cho bạn về di chuyển, làm giấy tờ để đi trekking và với những người dẫn đường có kinh nghiệm, bạn sẽ chỉ cần tập trung vào thể lực cho chuyến đi này. Nếu mang nhiều đồ đạc, bạn có thể liên hệ để thuê người khuân vác. Nhưng để tiết kiệm chi phí, bạn hoàn toàn có thể chỉ mang theo những đồ đạc thiết yếu để vali không nặng.

Thời gian                       

Thời điểm tốt nhất để đi trekking ở Nepal là tháng 4 và tháng 10 hàng năm, khi nắng đẹp và trời quang mây tạnh. Đặc biệt tránh đi vào mùa mưa, vì thời điểm này có rất nhiều sương mù che mất núi tuyết, làm cảnh quan sẽ không còn tuyệt vời nữa. Ngoài ra, nỗi ám ảnh của mùa mưa còn là những con vắt, sẵn sàng bám và hút máu bạn bất cứ lúc nào.

Tuỳ vào thể trạng và sức khoẻ, bạn có thể chọn những tour trekking phù hợp, như 2 ngày, 6 ngày hoặc 9 ngày đến cung đường Annapurna nổi tiếng.

Nếu không đi trekking ở Nepal thì sẽ làm gì?

Thủ đô Kathmandu nổi tiếng với nhiều đền chùa theo cả phong cách Phật Giáo và đạo Hindu. Hình ảnh đặc trưng của Phật giáo ở đây là khuôn mặt Phật với con mắt thứ 3 trên trán. Các đền chùa Phật Giáo nổi tiếng gồm quảng trường Dubar Square hay khu đền Khỉ Swayambhunath.

Ngôi chùa Hindu nổi tiếng Pashupatinath, nằm cạnh dòng sông Bagmati là một trong những địa điểm rất nổi tiếng vào hầu như ai theo đạo Hindu tại Ấn Độ và Nepal đều đến viếng thăm ngôi đền này. Nếu may mắn, bạn có thể quan sát lễ hoả thiêu theo phong tục của người dân nơi đây.

 Lưu ý

– Hãy luôn mang theo nhiều tiền hơn dự kiến vì Nepal vẫn là nước đang phát triển, các hệ thống thẻ và ngân hàng chỉ có ở thành phố lớn mà không có ở những khu trekking. Tốt nhất, bạn mang theo tiền USD và đổi sang tiền Nepal tại sân bay.

– Người dân Nepal rất thân thiện và tốt bụng, nên hãy học những câu giao tiếp cơ bản và bạn sẽ nhận được những nụ cười chào đón nồng ấm từ những người nơi đây.

– Nguồn nước sạch ở nơi đây rất khan hiếm, hãy sử dụng nước tiết kiệm, tuân thủ theo đúng những luật lệ khi khi đi trekking.

GỬI TƯƠNG LAI CHÚT TUỔI TRẺ    

Hôm nay, Trường của năm 2017, như năm 2016, lại viết cho Trường của những năm trưởng thành. Cứ mỗi mùa hè, cho dù có tiếng ve kêu hay không, mình lại thấy bản thân được lột xác. Đúng là, không viết cho bản thân là một tội ác lớn với mình, vì phần cơ bản những ngọt bùi đắng cay, những con người đi qua đời mình, sau này sẽ dễ rơi vào quên lãng, dù muốn, dù không. Trong lấp lánh những hoài tưởng, mình muốn gửi những dòng này đến một năm xa xôi nào đó trong tương lai.

LẠI LÀ CHỊ GIỮA SÀI GÒN

Nghe mình sắp đi, chị làm một chai chanh dây mật ong mang qua tận công ty trong buổi sáng nắng loang loáng ô cửa sổ. Hai chị em ôm nhau. Sau hôm nay, chị sẽ đi Úc để theo đuổi một giấc mơ chị ấp ủ lâu rồi. Sau hôm nay, chắc hai chị em không còn gặp nhau để trao đổi sách đọc nữa. Còn mình, đã quá thấm mệt sau một tháng xê dịch từ núi non xuống đồng bằng rồi ra biển đảo, hôm nay chỉ còn đủ sức để thả mình trôi theo những điều đã được sắp đặt: chiếc vé máy bay đi Kathmandu vào hôm sau!

ƯỚC GÌ Ở NHÀ

Phải! Mình đã ước gì mình ở nhà, vì hôm trước khi đi mình sốt nặng. Mình biết điều đó khi bước xuống hồ bơi. Lúc ấy, cơ thể mình run bần bật, răng môi giận giữ giật bắn lên liên hồi. Lúc ấy, mình thấy thật có lỗi với cơ thể vì đã không chăm sóc nó đủ đầy. Tô hủ tiếu chị Vân mua không cứu được thằng con trai to bề thế nằm hâm hấp với miếng khăn trên đầu. Mình lau người bằng nước cực nóng đến 3 lần trong đêm, với hi vọng mọi thứ ổn thỏa khi ra sân bay vào sáng hôm sau.

NGƯỜI CỦA THUNG LŨNG KATHMANDU

Sân bay ở Kathmandu chập chờn tắt điện, máy tính của nhân viên hải quan bị lỗi phần mềm, và rất nhiều những sự cố to bé khác, biến chị Yến và mình thành hai bộ hài cốt di động vất vưởng đi ra khỏi phi trường. Mina đứng ở một góc nào đó, lo lắng, hồi hộp, rồi reo lên “Truongggggg”. Mình chạy đến ôm chầm lấy Mina, thiếu điều nhấc bổng lên không trung. Chiếc xe gập ghềnh trên những con lộ chắp vá và sình lầy. Những cơn mưa bay bay trên phố, liếm láp tất cả những gì nó đi qua, để lại những con đường trơn ướt đặc quánh đất bùn.

Nhà của Mina là một căn biệt thự cổ kính với nhiều phòng khác nhau. Mỗi góc nhỏ trong nhà được trang trí với nhiều đồ lưu niệm từ mười phương các nước. Mình kịp đá mắt qua tượng gỗ của thiếu nữ mặc áo dài thướt tha dưới ánh đèn ấm sực ở một góc tường. Mina chuẩn bị bữa tối (dù đã 12 giờ khuya), và nước uống sẵn sàng trong từng phòng, vì cô biết hôm nay là một ngày thật dài.

Mình đặt lưng nhẹ xuống giường, mùi nhang muỗi hòa quyện với “mùi Nepal” bao trùm căn phòng. Những cơn gió đêm bắt đầu len lỏi vào tấm lưới bọc cửa sổ, mang theo cả tiếng dế và ếch nhái âm ỉ. Mình đã bắt đầu cuộc hành trình với sự hộ mệnh của người xứ Kathmandu như vậy đấy!

NHỮNG CỐI KINH THẦN BÍ

Trong suốt những ngày đi thăm đền và chùa ở Nepal, mình thấy rất nhiều những cối kinh (prayer wheels). Mỗi lần đi quanh các cối kinh, mình đẩy nhẹ quay chúng tạo ra âm thanh lạch cạch liên tục theo chiều quay của trái đất quanh mặt trời. Câu thần chú Ohm Mani Padme Hum theo đó như thoát ra khỏi vòng kim loại mà tỏa lên không trung. Người phương Tây cho rằng người xứ tuyết này sử dụng những cối kinh để nhờ những con quay cầu nguyện giùm, theo đó thần chú được xoáy vào không gian và bay lên Niết Bàn.  Nhưng người dân bản địa dùng những cối kinh này để đánh thức nơi con người khả năng và Phật tính sẵn có của họ. Có lẽ, tâm con người và sự xoay chuyển của những con quay cũng có những rung động ảnh hưởng đến chúng ta một cách huyền bí nào đó.

QUỐC KỲ RẤT LÀ KỲ (LẠ)

Quốc kỳ của Nepal không có hình chữ nhật như những quốc kỳ các nước khác. Hai hình tam giác chồng lên nhau trên lá cờ tượng trưng cho Phật Giáo và Ấn Độ Giáo. Ngoài ra, trên lá cờ còn có mặt trăng và mặt trời, tượng trưng cho khí hậu của Nepal. Màu của cờ là màu đỏ của quốc hoa: hoa đỗ quyên.

HỌC TIẾNG NEPAL VỚI ÔNG MEN Ở GHOREPANI

Mình lo lắm. Vì đôi giày ướt sũng, nước sùng sục bên trong, đôi vớ tỏa ra một mùi hôi căng thẳng, cơ thể quá đỗi nặng nề. Tắm nước nóng xong, mình xuống sảnh nhà nghỉ để sưởi ấm quanh cái lò, với bên trong là củi đốt và bên ngoài là một thùng phuy bằng kim loại. Nhà nghỉ ở Ghorepani chỉ có một lò sưởi, nhưng bủa vây quay cái lò là biết bao nhiêu đôi giày, quần áo, khiến mình chẳng còn chỗ để phơi đồ.

Ông Men là một người Nepal, nói tiếng Anh rất tốt. Mình được dịp ngồi bên lò sưởi, luyện tập qua lại với ông Mến bằng những câu học được. Trong mình trỗi dậy một cảm xúc lạ kỳ. Chưa bao giờ mình khao khát được giao tiếp, được hiểu, được bày tỏ nhiều đến thế. Sự nhẫn nại của ông Men vô tình kéo mình về phía ngược lại của thời gian. Mình lại thấy mình đang bập bẹ nói những câu đầu đời, và mọi người sẽ vui mừng tán thưởng khi mình nói điều gì đó có nghĩa.

Về đêm, củi lửa đã chẳng còn, người sưởi ấm cũng không có. Chẳng có lý do gì để nhà nghỉ có thể bỏ thêm củi vào cái lò sưởi to lớn kia chỉ để làm khô đôi giày của mình trước khi trời sáng. Mình mạo muổi nhờ ông Men hỏi quản lý nhà nghỉ. Họ đồng ý trong sự vui mừng khôn tả của bọn mình. Mình quay sang nói ông Men:”Subo Ra T-ri” (Chúc ngủ ngon), bước lên lầu rồi nằm phịch xuống giường trong ánh đèn vàng vọt và mùi âm ẩm của cái thảm trong phòng.

QUA NHỮNG CÁNH ĐỒNG HOA TRẮNG

Ở những vùng sơn cước cao xa này, người ta có thể thấy đủ các loài kì hoa dị thảo. Không biết có phải tự nhiên không, mà những bông hoa trông có vẻ yếu ớt nhất, lại kiên cường và vững vàng trước những khắc nghiệt của thời tiết. Tụi mình đi qua những triền núi đã trắng xóa vì sương, lại lung linh những đồng hoa trắng muốt. Một sớm nào đó đầy gió, cây mẹ sẽ gửi gió đưa cây con đến những miền đất lạ; rồi từ đó, một quần thể mới sẽ hình thành.

Nghe đâu, ở chốn hoang vu cô tịch này, từng có một chánh điện hoang tàn cùng vài pho tượng Phật sứt mẻ. Đêm hoang vu, tia chớp lóe lên soi rõ một ngôi chùa đổ nát. Giữa những đám rong rêu, một bông hoa nhỏ bé vươn lên, màu trắng và tinh khiết kì lạ. Không ai biết nó đến từ đâu, tại sao lại mọc giữa đám rong rêu bẩn thỉu. Bông hoa quên mình xin Thượng Đế cho những bộ kinh điển trong ngôi chùa được truyền tụng đến thế gian, người đặt tên cho nó là Tuyết Liên Hoa, loài sen quý hiếm chỉ mọc được ở dãy Hi Mã Lạp Sơn này. Ngôi chùa, nhờ hạnh nguyện của Tuyết Liên Hoa mà được bảo toàn.

NHỮNG BÃI PHÂN NGỰA XANH

Người ta dùng ngựa để thồ đồ đạc lên núi. Những hôm mình thấy, chúng tải các bao xi măng men theo những con đường nhỏ. Một bên là vực thẳm, một bên là lưng núi. Cứ cách vài mét, lại có một bãi phân ngựa màu xanh lá đậm, còn dính chút sợi lơ thơ của thức ăn. Một thoáng vô ý, mình bị trượt chân. Mọi người chỉ nghe một tiếng “Aaaaahhh”. Không có tiếng “xoạc” vì mình mặc quần thun. Nhưng có tiếng “thụp”. Tiếng đôi giày cao cổ của mình ngập ngụa trong một bãi phân ngựa khổng lồ(!) Một lần khác, cũng vì hăng hái xuống núi, mình chạy như bay qua các mỏm đá, nhanh hơn bất kỳ ai trên đường đi. Lúc đi, mình rất chánh niệm và mình không hề muốn sự thay đổi tốc độ làm mình phân tâm. Không tảng đá nào giống tảng đá nào. Có một chỗ phần vì dốc, phần vì nước mưa, mình trượt chân, tay chống ngược ra đằng sau. Có một thứ vật chất gì đó mềm mềm, tơ tơ như cỏ, êm ái đỡ ba ngón tay của mình. Thì ra, đó lại là một bãi phân ngựa với màu xanh quen thuộc…

NHỮNG NGÀY KHÔNG CÔNG NGHỆ

Ở những chặng dừng chân mình đi qua, muốn sử dụng wifi thì phải trả tiền. Sau khi trả tiền, chất lượng wifi cũng không được đảm bảo như “ở nhà”. Vì vậy, mình quyết định không sử dụng nữa. Những đêm không sử dụng điện thoại, mình đi ngủ thật sớm, đọc sách thật tập trung, và mình cảm thấy bản thân được kết nối với bản ngã. Mình có thời gian nhiều hơn để nghĩ về đủ điều. Những gì nhảy ra khỏi khối óc của mình đầu tiên luôn là hình ảnh về gia đình mình. Mình cứ nghĩ, ba má và các em luôn ở đó, hậu thuẫn, cổ vũ, và tự hào vì mình được đi Đông đi Tây. Phút nào nghĩ về gia đình, phút ấy mình cảm thấy trong tim ứa nghẹn những niềm tin yêu. Mình nghĩ về người sống, mình cũng quán tưởng về những người đã khuất. Mình biết ơn vì bỗng không, công việc được tạm gác, mình có nhiều thời gian hơn mỗi đêm nằm nghĩ về những người thương yêu, những kỉ niệm vụn vặt, rồi mình chùm chiếc chăn dày sụ, ấm sực vào lòng. Có đôi mắt đối diện với bức tường cô độc, nhưng mình lại thấy những chân trời mơ hồ. Mình thấy trái tim thật kì diệu.

 PHÍA BÊN KIA VÙNG AN TOÀN

Bình thường, có cho tiền mình cũng không chịu đi leo núi 23 cây số một ngày, từ Bốn giờ sáng đã phải dậy, và chấp nhận đeo cái ba lô gần chục ký với cái áo mưa phủ không hết được chân. Ở Poon Hille, mình lội rừng và thác qua những màn mưa không ngớt cả ngày trời đằng đẵng, đôi khi bị vắt bám vào quần áo, và cả vào trán!

Mình bắt đầu nhớ những ngày trời nắng ở Sài Gòn, nắng bể đầu cũng được, miễn là hãy nắng như ngày mai sẽ không còn nắng nữa. Mình nhớ cái giường êm mỗi tối nghe nhạc không lời và lịm vào giấc ngủ. Nếu không có một ngày trời vần vũ, đường cực lối khổ, liệu mình có biết ơn những cái mình đã coi là quá bình thường?

Hướng dẫn viên, Linh, chị Yến và mình thỉnh thoảng trên đường đi ghé vào những trạm dừng chân để uống một ly trà bạc hà nghi ngút khói và…bắt những con vắt vô duyên bám vào quần áo. Ở độ cao 3000 mét, cơ thể của mình sau khi bị hâm hấp trong chiếc áo mưa, giờ đây bốc thành từng luồng khói đục ngầu, như thể từng thớ thịt nóng đến mức hun sôi cả những lớp mồ hôi ướt nhẹp trên áo. Mình nhớ đọc được ở đâu đó, rằng các vị đạo sĩ ở rặng Tuyết Sơn có khả năng điều nhiệt trên cơ thể chỉ bằng cách thiền định, trong khi người thường thì phải vận động đủ nhiều để cơ thể sinh ra một nhiệt lượng đủ đầy chống lại cái lạnh thấu da thịt nơi đây.

NƯỚC TỪ TRỜI

Suốt chặng đường mình đi vào mùa mưa, những thêm đá nước chảy rả rích. Mỗi thêm đá là một cái thác nhỏ. Ngoài ra, tụi mình băng qua nhiều thác trên đường đi đến mức không đếm xuể. Cũng phải thôi, nước chảy từ trên nóc nhà của thế giới xuống đổ chan hòa đến mọi ngóc ngách, tạo ra những mạch nước không ngừng đi về phía bình nguyên.

Có những lúc, ở vực bên này, ngắm cả chục con thác song song nhau thả mình xuống từ một độ cao không tưởng. Chúng xa xăm đến mức khi chạm mặt đất thì mình chẳng thể nhìn thấy bọt tung trắng xóa nữa. Chỉ còn những vệt dài màu trắng, như thể nối bờ và vực.

Một buổi chiều nằm xiêu vẹo đọc sách, mình ngỡ ngàng nhìn ra phía trái cửa sổ nhà nghỉ. Có hai ngọn núi rất xa, nhưng vì chúng quá lớn và cao vời vợi nên mình có cảm giác chúng ở thật gần. Giữa hai ngọn núi là một dòng thác lớn láo, vĩ đại phi mình từ chốn hư vô trên trời xuống dũng cảm, tách hai ngọn núi thành hai cõi, len vào đó là những quầng mây. Ánh sáng mặt trời chỉ còn đủ yếu ớt để làm buổi chiều của mình thêm một chút hi vọng về một ngày mai có nắng.

ĐÊM ẤM LÒNG Ở SƯỜN NÚI

Mình đợi chị Yến và Linh lên phòng, đánh bạo đi băng qua nhà một gia đình địa phương trong đêm. Trời đã hết mưa, nhưng đường thì vẫn chưa hết trơn, và rất tối. Căn nhà ấm cúng và nhiều mùi vải bố lót ghê ngồi cùng mùi cà ri hòa quyện làm mình cảm thấy nó đặc trưng và đáng yêu đến khó tả.

Mình bi bô mấy câu bằng tiếng Nepal, và chủ yếu khua tay múa chân để họ hiểu rằng mình muốn vào thăm. Căn nhà giản đơn nền đất, thấp thấp be bé như thể nếu nó mà to hơn, không khí trong nhà sẽ rất lạnh. Ánh đèn vàng hắt lên từng khuôn mặt đầy vết chân chim của hai vị gia chủ với ánh nhìn hết sức trìu mến. Mình nói mình đến từ Việt Nam, nhưng có lẽ họ cũng không biết nước mình đâu.

Hai cha con trong nhà mời mình uống rượu. Rượu được làm từ hạt kê, nấu lên thơm phức và trong veo. Mình được dặn là không uống rượu khi leo núi, nhưng mình phá lệ một xíu, tức là chỉ uống một xíu thôi. Bụng mình ấm lên vì rượu hay lòng mình thực sự ấm sực lên khi được tiếp đãi và trò chuyện (bằng ngôn ngữ cơ thể) một cách nồng hậu, chân như và chất phác như thể đó là tất cả những gì mình cần cho một buổi tối trời mưa dưới mái nhà lót thật nhiều đá của con người xứ sở để gió bão khỏi thổi bay đi cái sự ấm cúng giữa bao la đất trời. Mình dạy hai ông cách cụng ly và nói “Một Hai Ba Zô” của người Việt Nam. Em bé 5 tuổi có đôi mắt đen láy, trong veo, và nụ cười không vướng chút bụi trần cười nảy lên. Mình bế em vào lòng, nhớ thằng Minh em mình quá đỗi.

RỪNG HOA TRONG CỔ TÍCH                                     

Khí hậu ở dãy Hi Mã lạp Sơn có những nét đặc trưng tượng tự như các đới khí hậu dãy An-pơ (Alps). Hơn trăm triệu năm trước, các mảng lục địa Á-Âu và Châu Phi đâm vào nhau, làm các lớp trầm tích ở biển bị đùn lên và hình thành nên các dãy núi như ngày nay. Cũng như vậy, cách đây chỉ 80 triệu năm, lục địa Ấn Độ lao như điên vào mảng Á-Âu, sự đứt gãy các mảng lục địa và trồi lên của trầm tích khiến trên đường đi, các tảng đá núi vẫn còn nguyên thủy những lớp trầm tích hướng song song theo những chiều nhất định, mặc cho cây cỏ, hoa lá chen vào. Nóc nhà thế giới không ngừng lớn lên, trưởng thành và vĩ đại. Trên đường lên “Nóc nhà thế giới” là một rừng hoa đỗ quyên sừng sững, hùng vĩ với những cây to đến vài người ôm. Trong làn sương mờ, tất cả hiện lên như một khu rừng cổ tích.

BUDDHA WAS BORN IN NEPAL

Người ta có thể nhìn thấy ở rất nhiều nơi, nhất là…niềng bánh xe của các xe tải dòng chữ “Đức Phật được sinh ra ở Nepal”, như một sự tự khẳng định và cũng là niềm tự hào của trái tim Phật Giáo nơi đây. Tôn giáo là một thứ gì đó bao trùm lên cả đất nước một lớp màn huyền ảo, gắn liền với cả văn hóa và lối sông người dân bản địa một cách đậm đặc không lẫn vào đâu được. Thế mà chính phủ Nepal vẫn luôn trong tâm thế lo sợ những giá trị đó dần mai một.

Mình và chị Yến lên sân thượng vào một buổi sớm mai nhà Mina. Tự bao giờ, căn nhà cho dù sớm hay khuya vẫn luôn nghi ngút hương trầm. Có lẽ người dân nơi đây thực sự có những niềm tin mãnh liệt vào thần thánh. Duy chỉ những điều đó thôi, Nepal cũng đã đủ kì bí và đầy những bí ẩn tâm linh mà mình luôn muốn hiểu cặn kẽ nhưng không sao hiểu hết.

NGÀY NAY CÓ MỘT CON BÒ

Bò ở Nepal là một con vật linh thiêng. Chẳng ai ăn chúng. Các “ngài” luôn đi dạo đâu đó rồi nằm kiêu kỳ giữa đường mà chẳng ai thèm đến hỏi thăm. Đôi khi người đi đường cho bò ăn. Trong suốt những ngày ở Nepal, tụi mình luôn thấy những con bò nằm dài thuột ngoài đường với vẻ mặt chán chường và tỉnh bơ khi có bất cứ phương tiện giao thông nào đến gần.

CON VẬT THÂN THIỆN NHẤT NEPAL

Người ta không ăn thịt chó ở đây. Mình thấy rất nhiều những con chó lảng vảng ở ngoài đường, trong khu xóm và cả trên đường leo núi. Thường thì, chúng là những con cho không có chủ, chỉ đi lung tung rồi vẫy đuôi thân thiện với những người khách lạ.

Có một chú chó đi theo mình xuống núi một đoạn rất xa. Cứ mỗi lần qua một chỗ nào đó lạ, cu cậu tè vào một bãi cỏ để đánh dấu đường về. Tính ra, cu cậu tè cũng hơn 10 lần như thế. Mỗi lần tè xong, mình lại huýt sao “tích tích tè”, chú chó sẽ chạy lên phía trước một đoạn, thấy bỏ mình xa, nó lại đứng đợi. Cũng có những lúc chú chó và mình đi song song với nhau. Những lúc như vậy, mình cảm thấy rất hạnh phúc vì có một người bạn đồng hành cả một chặng đường dài. Và đó, chỉ là một trong bao con chó lạ khác.

LEO NÚI BẰNG XE JEEP

Ngày đầu tiên, xe Jeep chở tụi mình đi một đoạn lên núi trước khi bắt đầu thực sự. Con đường gập ghềnh nhiều đá và ổ gà, đất trộn với nước mưa như đất cày bừa. Chiếc xe bon bon lao vun vút về phía trước. Một bên là vực thẳm, một bên là hông sườn núi, chỉ mất tập trung một chút, khả năng lao xuống vực là rất cao. Con đường chẳng thẳng thớm gì, nhưng từ xa, nó trông như một con rắn xám xịt vắt qua và ôm lấy những tảng đá núi khổng lồ. Tụi mình cười ha hả hứng khởi cho những điều sắp đến. Còn chiếc xe lên đủ cao, xé rách màn mây đang giăng bủa mười phương, để lại những hạt nước li ti bám vào quần vào áo.

CUỐN SÁCH ĐỌC ĐÚNG THỜI ĐIỂM

Những ngày này, một điều hạnh phúc giản dị là đọc cuốn sách mình thích, tại một nơi mình thích.

Một buổi sáng ẩm ướt tháng Tám ở lưng chừng dãy Hi Mã Lạp Sơn, mình đánh bạo bước vào chốt an ninh nằm ngay bên triền núi. Hai anh cán bộ tập thể dục giữa trời sương chùng chình. Sau khi mỉm cười chào hỏi, mình ngồi bất động đọc cuốn sách, đôi khi dừng lại ngẫm nghĩ quán chiếu về đủ điều. Ở rặng tuyết sơn này, mình cảm thấy thật gần với Tây Tạng, một vùng đất tâm linh bí ẩn với các đạo sĩ huyền thuật đạo Bon và sự phục thịnh của Phật Giáo những năm sau này. Chuyện kể rằng, từng có một vị cao tăng ở Ấn Độ vì thấu cảm được khao khát thỉnh học đạo của hai cha con người Tây Tạng, bèn đạp tuyết vượt muôn trùng hiểm trở qua những ngọn núi cao vượt mây trời để truyền bá lại Phật Giáo cho chúng sinh nơi đây…

Một thoáng thấy ánh sáng vàng sữa đổ bóng trên cuốn sách, mình bồi hồi ngước nhìn lên. Đứng bật dậy. Thái dương bấy giờ đã xé toạc màn mây, vén lên khung cảnh uyên nguyên, hùng vĩ của tuyết sơn. Ở cái chốn hoang vu tiêu điều này, mình đủ tĩnh tâm để nghe “OHM” xuyên qua từng tế bào trong đầu, miệng mình hay râm ran thần chú “Ohm Mani Padme Hum”, nhưng chưa hôm nào những tiết điệu của thiên nhiên lại vi tế như hôm nay. Trong sự tĩnh lặng của sớm mai, nhãn quan của mình luôn ở vô cực. Có ngôi chùa xuất hiện từ một chốn hư vô nào đó, sau khi màn sương huyền hoặc bị ánh bình minh làm hao tán. Tiếng chân mình xoàng xoạc trên cỏ, cành cây trước mặt bỗng khẽ rùng mình, con chim lạ vỗ cánh bay vút lên không trung…

Anh thanh niên đang hít đất, quay sang nhìn mình và cười. Mình nói ” Pani Pô Riêu Chây Nà, Himal ết đâm ram rô” (không có mưa, núi tuyết trông thật đẹp)

BỤI ĐƯỜNG LÀ MỘT ĐẶC SẢN

Mình và chị Yến thuê taxi đi các điểm mà khách du lịch hay đến trong thành phố. Thung lũng Kathmandu lúc này như một công trường khổng lồ, được thi công đồng loạt làm nát bấy những con lộ. Khi trời mưa, những con đường này đầy bùn đất nhớp nháp. Lúc trời nắng, cả thành phố bụi tung mù. Xe taxi ở Kathmandu không có máy lạnh, nên chắc chắn sẽ phải mở cửa sổ xe ra. Đi chừng một lúc thôi, mình cảm chừng như có thể móc ra cả…ký lô cứt mũi.

NHỮNG CÂY CẦU TREO

Giữa những dòng thác nước xiết là các cây cầu treo. Người ta treo cờ quạt có những câu thần chú những nơi nguy hiểm, nhất là các cây cầu. Người dân xứ này tin tưởng vào các bài thần chú còn hơn sự vững chắc của cây cầu. Sống giữa thiên nhiên, họ ý thức được rằng con người rất nhỏ bé, nên phải dựa vào những quyền năng linh thiêng vô hình.

ĐỪNG BAO GIỜ BỎ ĐỒNG ĐỘI PHÍA SAU

Chính vì mình ham đi nhanh nên bỏ lại mọi người phía sau. Mình không hề biết là có tới hai lối rẽ ở một điểm nọ, và mình lẽ ra phải rẽ vào lối ít người đi. Mình hăm hở đi trước, đi lối mọi người hay đi, và lạc mất 3 người đi cùng.

Trời đã nhá nhem chiều tối, mình đánh bụng gọi nhờ điện thoại từ một trạm dừng chân. Ông chủ cửa tiệm là một người có khuôn mặt nhân từ, quắc thước, giúp mình gọi điện thoại nhưng cả hội đều đang ở ngoài vùng phủ sóng. Vừa lo vừa hối hận, ông ấy thấy có vài người mặc áo mưa đi lên đoạn đường khác phía xa cao sau đồng ngô. Mình nghe theo ông chạy vôi đuổi theo, khi đuổi kịp mọi người, trời cũng đã dần tối. Ai cũng thấm mệt.

Mình biết ơn những cái áo mưa màu rất nổi mà tụi mình mặc trong chuyến đi. Nó giúp mình định vị đồng đội dễ dàng hơn rất nhiều!

CÁC TỘC NGƯỜI HÒA THUẬN

Không biết có một chất keo dính kỳ lạ nào tác động, mà các tộc người ở đây sống với nhau rất mực hòa thuận. Mình được Mina dẫn đi thăm công ty của cô vào một buổi chiều nọ. Trong công ty, 11 nhân viên tình cờ đến từ 11 tộc người khác nhau, với những đặc trưng văn hóa không giống nhau. Tụi mình được chào đón và tiếp đãi hết sức nồng hậu. Đó cũng chính là nơi mình học được câu “Mà lai tà pai à ru mân par cha” (Tôi yêu các bạn).

Bài dự thi của bạn Vũ Hải Trường