Myanmar – đất nước chùa vàng nổi tiếng từ lâu với những ngôi chùa, cung điện có kiến trúc độc đáo – mới mở cửa đón khách du lịch trong nhiều năm trở lại đây trong đó ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đã thử sức chuyến đi tới đất nước xinh đẹp này. Chuyến hành trình vừa qua của mình khám phá đất nước Myanmar tuy vất vả nhưng thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ từ choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ, cổ kính và tráng lệ của các đền, chùa đến đắm mình vào những khung cảnh rất đỗi thanh bình của cuộc sống người dân nơi đây. Năm thành phố, địa điểm du lịch ưa thích tại Myanmar gồm Yangon, Mandalay, Bagan, Hồ Inle và Hòn đá Vàng (Golden Rock). Tuy nhiên, do tụi mình không có nhiều thời gian nên quyết định khám phá 4 địa điểm nêu trên trừ Hồ Inle trong vòng 4 ngày 4 đêm. Sau đây là chia sẻ chi tiết về chuyến trải nghiệm quý báu này, hy vọng sẽ giúp ích cho những bạn lần đầu đi du lịch tới Myanmar có những chuẩn bị tốt nhất:

  1.       Thời điểm du lịch thích hợp đến Mynamar

Khí hậu Myanmar chia làm 3 mùa cơ bản:

– Mùa mát: từ tháng 11 đến tháng 2: Thời điểm này khí hậu của Myanmar mát mẻ, dễ chịu, ban ngày trời nắng, đêm và sáng se se lạnh giống kiểu thời tiết ở Đà Lạt.

– Mùa nóng: từ tháng 3 đến tháng 5: Thời điểm này khí hậu ở Myanmar khá nóng thậm chí ở một số vùng nhiệt độ ban ngày có thể lên tới 40 độ.

– Mùa mưa: từ tháng 6 đến tháng 10: Thời điểm Myanmar mưa nhiều và thường mưa cả ban ngày lẫn ban đêm.

Để có những trải nghiệm du lịch tốt nhất, bạn nên đi du lịch Myanmar từ tháng 11 đến tháng 2 và tránh vào các dịp cao điểm như vào dịp năm mới và ngày lễ nhất là ngày Tết té nước của Myanmar từ 13-17/4 hàng năm các dịch vụ du lịch sẽ ngừng hoạt động. Chuyến hành trình của mình diễn ra vào cuối tháng 1/2018, thời tiết khá dễ chịu và không mưa nên hoạt động du lịch khá thuận lợi.

  1. Chuẩn bị những gì khi đến Myanmar

– Đổi tiền: Myanmar sử dụng đồng tiền Kyat (MMK) đọc theo tiếng Việt gần như “Chạt” với tỷ giá so với VND là khoảng gần 17. Bạn phải sử dụng USD để đổi sang tiền Myanmar, mệnh giá USD càng lớn thì tỷ giá đổi càng tốt và càng đổi được nhiều Kyat hơn.

+ Địa điểm đổi tiền Kyat: Bạn có thể đổi tiền ở sân bay ngay khi đến Myanmar hoặc tại các ngân hàng nội đô trong thành phố của Myanmar. Bạn phải hỏi kỹ khi đổi xem ngân hàng có tính 7% phí đổi tiền (commission fee) hay không (vì nếu mình không nói gì họ sẽ tự động trừ 7% trên tổng tiền). Nếu chỗ nào không tính phí thì mới đồng ý đổi tiền, đổi mệnh giá 50-100 USD trở lên sẽ có tỷ giá tốt nhất.

+ Ngân hàng nào tốt đổi tiền: CB Bank (biểu tượng hình cầu vồng) là ngân hàng uy tín và lớn nhất ở Myanmar sau đó là KZBank. Nếu ngân hàng này đóng cửa, bạn tìm các ngân hàng nào có tỷ giá tốt nhất của ngày hôm đó. Sau khi nhận tiền, nhớ kiểm tra thật kỹ số tiền nhận được với tỷ giá của ngày hôm đó để chắc chắn mình nhận đủ tiền nhé.

Quầy đổi tiền và mua sim tại sân bay Yangon

– Liên lạc và tìm đường: Ở Myanmar Wifi là một khái niệm xa xỉ khi nhiều nhà hàng và quán ăn không cung cấp wifi miễn phí kể cả wifi ở sân bay cũng rất kém, nên bắt buộc bạn phải sử dụng 3G để tra cứu, định vị tìm đường và đặt xe. Bạn mua sim 3G ngay tại sân bay ưu tiên sử dụng với hãng viễn thông Telenor (ngay cạnh hàng đổi tiền CB Bank) vì hãng này về những vùng nông thôn thì sóng vẫn tốt.

Tổng giá mua = Giá sim (2.000 kyat) + Giá gói cước theo dung lượng

Các gói cước tham khảo:

+ Gói cước 1 Gb + 10 phút gọi: 2.000 kyat

+ Gói cước 2 Gb + 40 phút gọi: 4.000 kyat

– Ngôn ngữ: Myanmar sử dụng chủ yếu là tiếng Miến Điện với hình thù khá phức tạp. Tại đây, người dân tại một số thành phố lớn hoặc các khu trung tâm về du lịch, dịch vụ mới có thể sử dụng tiếng Anh (Yangon, Bagan). Những vùng đồng quê hoặc những nơi ít có khách du lịch tới họ sẽ không nói được tiếng Anh. Bạn cần chuẩn bị những phần mềm dịch sang tiếng Miến hoặc những hình ảnh minh họa để trong trường hợp không biết tiếng, họ có thể trợ giúp được.

– Múi giờ: Myanmar nằm ở giữa múi giờ +6 và +7 nên so với Việt Nam bị chậm hơn 30 phút.

– Đi chùa: Khi vào đền chùa, bạn nên mặc quần áo dài và quần dài, không mặc áo hở ngực, hở lưng, áo dây nếu không sẽ không được vào hoặc phải quấn longyi mới được vào chùa, còn lại có thể dùng đồ ngắn tay do thời tiết ban ngày ở Myanmar khá nóng.

– Giầy dép: Khuyến khích đi dép xỏ ngón (đi tông) để thuận tiện di chuyển do khi vào các khu vực đền chùa bạn bắt buộc phải bỏ giày dép (kể cả tất). Vì thế bạn cũng đừng ngạc nhiên khi ở Myanmar mọi người nhất là nam giới đa số đều đi dép xỏ ngón. Bạn cũng nên sắp xếp thời gian để đi chùa sớm, vì nếu đi muộn vào từ giờ trưa nắng gắt, bạn đi chân trần vào chùa sẽ rất nóng và rát chân.

– Áo nắng, áo khoác, khẩu trang, ô, mũ kem chống nắng: Những vùng như Mandalay, Yangon và Bagan rất nóng vào ban ngày nhưng lại khá lạnh vào ban đêm và sáng sớm nên bạn cũng cần chuẩn bị những đồ dùng cần thiết để vừa tránh nắng và tránh rét.

– Thuốc xịt muỗi: Một số nhà nghỉ gần hồ hoặc các vùng nhiều cây cối tại các thành phố thường có nhiều muỗi, bạn nên mang theo để sử dụng.

– Xạc dự phòng: nhằm phục vụ nạp năng lượng cho điện thoại khi sử dụng 3G liên tục hơn nữa một số nhà hàng, quán ăn thường may mất điện nên không có điện cho bạn cắm xạc nhờ khi cần.

– Thuốc tiêu hóa: do thức ăn của Myanmar chứa nhiều dầu mỡ, bạn nào không quen có thể bị đau bụng; Thuốc cảm cúm, nhức đầu,…do thời tiết Myanmar có sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, ai không thích ứng dễ bị cảm lạnh.

  1. Di chuyển từ Hà Nội đến Myanmar

Từ Hà Nội đến Myanmar chỉ có 02 hãng hàng không khai thác chặng bay thẳng đến Yangon (Myanmar) là Vietnam Airlines và Vietjet. Để có giá vé với giá tốt, bạn nên đặt sớm từ 1-2 tháng và canh thời điểm khuyến mại:

– Vietnam Airlines: Rẻ nhất khoảng 3.500k/khứ hồi

– Vietjet Air: Rẻ nhất khoảng 2.000k/khứ hồi (không hành lý).

Mình đặt được vé của Vietjet trước 2 tháng với giá 2.300k khứ hồi (không hành lý).

  1. Đặt phòng tại Myanmar

a) Công cụ đặt phòng: Công cụ đặt phòng uy tín mà các tín đồ du lịch vẫn sử dụng khi du lịch bụi là agoda.com hoặc www.booking.com. Tại Myanmar, mức giá phòng trung bình dao động từ 120k/người/đêm đối với ở dorm và từ 300k/phòng/đêm ++ đối với khách sạn tuy nhiên, không giống như nhiều nơi khác, phòng 300k là đã đẹp ngon lành rồi. Nếu bị thét giá nhiều mà phòng không chất lượng thì coi như bạn bị mất tiền oan.

b) Địa điểm đặt phòng:

– Tại Yangon: Nên đặt phòng giữa khu vực 2 chùa Shwedagon và Sule để thuận tiện cho việc di chuyển tham quan giữa 2 chùa này.

– Tại Mandalay: nên đặt phòng gần khu vực Mandalay Royal Palace để thuận tiện cho việc di chuyển tham quan cũng như ra bến xe.

– Tại Bagan: nên đặt phòng tại khu vực New Bagan do các dịch vụ tập trung ở đó khá đa dạng và sầm uất (Old Bagan thì không có khách sạn, nhà hàng mà chỉ là các khu vực đền chùa tham quan).

Khách sạn Osello Bello –khách sạn có dịch vụ tốt nhất tại Bagan dành cho dân du lịch
  1. Di chuyển tại Myanmar

a) Di chuyển từ sân bay Yangon về trung tâm thành phố Yangon

Từ sân bay Yangon về trung tâm có 3 phương tiện di chuyển:

– Bus: 200-300 kyat. Bus mình biết về trung tâm là số 37 (phải đi bộ đến trạm maharsi bus station mất 30 phút) tuy nhiên tất cả các điểm đỗ và điểm xuống đều bằng tiếng Miến và xe rất đông, nếu có hành lý cồng kềnh và nhiều người, không khuyến khích đi.

– Taxi thông thường: 4.000-5.000 kyat. Đây là phương tiện di chuyển phổ biến tại Myanmar tuy nhiên thường hay nói thách. Bạn nên đàm phán để được giá tốt nhất với lái xe taxi vì họ thường nói thách tương đối cao.

– Grab taxi: Giống như ở Việt Nam, dịch vụ này cũng có tại Myanmar nhưng chỉ có ở Yangon. Kinh nghiệm: bạn xem thử grab xem số tiền là bao nhiêu rồi trừ đi 1.000-2.000 kyat để ra đàm phán với taxi.

Một điều lưu ý là ở Yangon do dân cư đông đúc nên tình trạng tắc đường diễn ra khá phổ biến từ 9h sáng tới 6h tối vì xe cộ hầu hết là ô tô, đường lại nhỏ hẹp như Việt Nam (xe máy ít được phép sử dụng) trong khi sân bay lại cách thành phố 15km. Vì vậy, khi di chuyển từ trung tâm thành phố ra sân bay và ngược lại mất ít nhất 1,5- 2 tiếng/chặng, nên các bạn lưu ý là phải di chuyển cách giờ bay ít nhất 3 tiếng nhằm đảo bảo không bị nhỡ chuyến bay và các kế hoạch tham quan trong thành phố. Còn các thành phố khác thì không lo vấn đề tắc đường.

b) Di chuyển giữa các thành phố của Myanmar

Có hai phương tiện di chuyển tối ưu giữa các thành phố là:

– Máy bay: Từ Yangon bạn có thể bắt tiếp chuyến bay chung chuyển đến các thành phố của Myanmar. Tuy nhiên, giá vé máy bay nhìn chung khá cao từ 4.000-5.000k VND/khứ hồi, nên mình không khuyến khích đi. Nếu bạn nào dư giả tài chính thì hẵng đi, chất lượng dịch vụ hàng không trong nước của Myanmar nhìn chung không cao.

+ Mandalay: sân bay Mandalay International Airport, Chanmathazy.

+ Bagan: sân bay Nyaung-U

– Bus đêm: Đây là hình thức di chuyển chủ yếu tại Mynmar và được người dân sử dụng phổ biến. Bus của Myanmar khá chất lượng, nhất là các hãng lớn có chất lượng tốt tương đương với chuẩn business của hàng không trên máy bay. 3 hãng bus lớn nhất và chuyên nghiệp nhất của Mynamar thường được người dân và người nước ngoài ưu chuộng sử dụng do dịch vụ tốt là JJ, Elite và Famous. Để đặt vé bạn có thể liên hệ đặt trực tuyến tại website của các hãng với giá trung bình từ 8-20 USD/chặng/khách tùy địa điểm. Do vậy mình khuyến khích các bạn chỉ đặt bus của 3 hãng này. Các bus của các hãng khác mình đã lựa chọn và thấy chất lượng khá tệ và lái xe thường hợp tác với taxi để bắt chẹt tiền của khách. Lịch trình, giá vé bạn có thể tham khảo chi tiết và đặt trực tiếp tại website của các hãng:

– Hãng Elite: https://www.tranlinkmm.com giá vé khoảng 14-20 USD

– Hãng JJ: https://jjexpress.net  giá vé khoảng 9-20 USD

– Hãng Famous: https://famoustravellerinternational.com giá vé khoảng 14-20 USD

Chú ý là giá vé của người nước ngoài cao hơn giá vé đối với người dân địa phương.

Khi sử dụng xe của 3 hãng này bạn được:

+ Ghế ngồi có chỗ để chân, có khả năng ngả 270 độ như giường, trước ghế có màn hình TV giải trí, chỗ cắm xạc điện thoại và được phát nước uống và 2-3 cái bánh ăn nhẹ.

+ Các hãng này còn có dịch vụ đón và trả khách tại từng khách sạn tại một số vùng du lịch như Mandalay và Bagan nên bạn không mất tiền di chuyển từ khách sạn tới bến xe ở rất xa trung tâm (bạn nhớ cung cấp địa chỉ nhà trọ để nhân viên hãng sẽ có xe ra đón).

+ Nhà chờ của các hãng này có nhà vệ sinh và chỗ ngồi sạch sẽ, nhân viên nhiệt tình.

– Thời gian di chuyển:

+ Từ Yangon đi Mandalay (hoặc chiều ngược lại) là 10 tiếng

+ Từ Mandalay đi Bagan (hoặc chiều ngược lại) là 4-5 tiếng

+ Từ Yangon đi Bagan (hoặc chiều ngược lại) là 9 tiếng

Lưu ý: Riêng hành trình Mandalay đi Bagan 3 hãng bus nên trên không khai thác, vì vậy mình khuyến khích bạn đi theo hành trình Yangon – Bagan – Mandalay. Tụi mình đến Yangon muộn vì máy bay delay 1 tiếng, nếu đi xe bus đêm sẽ  đến Bagan muộn sẽ lỡ mất đón bình minh nên phải chọn đi Mandalay trước.

c) Di chuyển từ bến xe bus về trung tâm các thành phố

– Yangon (Bến xe Aung Mingalar): Bắt tuyến bus số 36 hoặc bắt taxi giá trung bình từ 5.000 đến 7.000 kyat.

– Mandalay (Bến xe Kywel Sel Kan): Taxi với giá 3.000-5.000 kyat, ngoài ra có dịch vụ xe ôm tầm 3.000 kyat.

– Bagan (Bến xe Bagan Shwe Pyi): Taxi là phương tiện duy nhất dành cho người nước ngoài và các phương tiện khác chỉ dành cho người dân địa phương. Giá taxi đã niêm yết trên bảng ở bến xe là: 5.000 kyat về Nyang-U, 7.000 kyat về New Bagan và 8.000 Kyat về Old Bagan. Tuy nhiên bạn có thể mặc cả 5.000 kyat rồi trả dần lên.

d) Di chuyển trong nội đô các thành phố

Để tham quan các địa điểm tại các thành phố của Myanmar, có nhiều lựa chọn tùy thuộc vào số lượng người đi và kinh phí dành cho chuyến đi. Bạn chú ý mức giá của các phương tiện sau:

– Tại Yangon:

+ Bus: 200-300 kyat do toàn bằng tiếng Miến nên mình không lựa chọn.

+ Grab taxi, taxi: Sử dụng ứng dụng và nhớ mặc cả dùng grabtaxi để kiểm tra giá trước.

– Tại Mandalay:

+ Xe tuk tuk: 25.000 kyat/xe/ngày (tối đa chở được 3 người)

+ Xe ôm: 20.000-40.000 kyat/xe/ngày (tối đa chở được 1 người)

+ Taxi: 40.000-70.000 kyat/xe/ngày (chở tối đa được 4-5 người)

+ Thuê xe đạp: 5.000-10.000 kyat/xe/ngày

+ Thuê xe máy: 15.000 kyat/xe/ngày

– Tại Bagan:

+ Taxi: 40.000 kyat ++ /xe/ngày (chở tối đa được 4-5 người)

+ Xe ngựa: 25.000 kyat/xe/ngày (chở tối đa được 3 người)

+ Xe máy điện: 5.000 kyat đây là phương tiện chủ yếu được khách du lịch sử dụng (chở tối đa được 1 người). Bạn thuê ở khách sạn Osello Bello (giá rẻ nhất và dịch vụ tốt, hết điện quay lại đổi xe khác miễn phí).

Dịch vụ xe ngựa ở Myanmar
  1. Các địa điểm tham quan tại Myanmar

Để thuận tiện cho việc tìm đường đền chùa và các di tích ở Myanmar bạn nên lấy bản đồ miễn phí tại các sân bay hay nhà nghỉ trước khi khởi hành đi tham quan.

a) Yangon

– Chùa Shwedagon: Miễn phí với khách địa phương và thu phí tham quan 10.000 kyat/người với khách nước ngoài. Đây là ngôi chùa to đẹp và hoành tráng nhất ở Yangon mang vị thế của Myanmar với kiến trúc độc đáo với quần thể các tháp với chiều cao ấn tượng và hệ thống các chùa nhỏ xung quanh. Đây là chùa bạn không thể bỏ qua nghĩa là chưa tham quan Shwedagon thì coi như chưa đến Yangon. Nếu có điều kiện ở lại Yangon đi buổi tối chụp hình sẽ rất đẹp với ánh đèn lung linh và hình viên ngọc sáng trên đỉnh.

Chùa Shwedagon

– Chùa Sule: Miễn phí với khách địa phương và thu phí tham quan 4.000 kyat/người với khách nước ngoài. Về cơ bản chùa này có kiến trúc dựa như Shwedagon nhưng nhỏ hơn rất nhiều cũng có các ô cầu nguyện theo ngày sinh.

Chùa Sule

– Chùa Botataung: Miễn phí với khách địa phương và thu phí tham quan 6.000 kyat/người với khách nước ngoài. Về cơ bản chùa này cũng có kiến trúc dựa như Shwedagon nhưng to hơn chùa Sule.

– Chùa tượng phật nằm lớn nhất ChakHtagyie: Miễn phí với khách địa phương và nước ngoài. Chùa này không có kiến trúc gì đặc biệt chỉ là nơi chứa tượng phật nằm.

Chùa ChakHtagyie

– Hồ Inya: Hồ nước đẹp với cảnh thơ mộng rộng như Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, là nơi tụ tập đông người đến uống nước và nghỉ chân vào dịp cuối tuần. Tại đây bạn có thể nhìn thấy trụ sở của Hoàng Anh Gia Lai tại nơi đây.

– Mua sắm: tại chợ Byongue Aung San (chợ truyền thống) và Junction City (trung tâm thương mại), hai khu này đối diện nhau và có kết nối bằng cầu vượt đi bộ nên cũng dễ dàng di chuyển qua lại.

Chợ truyền thống Byongue Aung San

– Ngoài ra còn nhiều địa điểm khác như các tu viện, nhà thờ,.. nếu còn thời gian thì các bạn có thể đi. Trong trường hợp quá ít thời gian ở tại Yangon, khuyến nghị các bạn chỉ nên tham quan Chùa Shwedagon vì đây là địa điểm ấn tượng nhất ở Yangon.

b) Mandalay

– Ngắm bình minh/hoàng hôn: Địa điểm được ưa thích ngắm bình minh/hoàng hôn là cầu Ubein (cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới 1,2km) và Đồi Mandalay (Mandalay Hills). Thường thì mọi người hay ngắm hoàng hôn ở đây, tuy nhiên vào thời điểm này khá đông người vì vậy khuyến khích các bạn đến sớm để tìm cho 1 chỗ ngắm và chụp hình ưng ý nhất. Tụi mình chọn ngắm bình minh ở cầu U Bein và ngắm hoàng hôn ở Mandalay Hills.

+ Cầu U Bein nằm cách  trung tâm của Mandalay khoảng 4km. Bên dưới cầu là dòng sông và 1 cây khô đơn độc cùng những chiếc thuyền đánh cá xếp san sát thẳng hàng. Vào buổi sớm thường nhìn thấy cảnh người dân đánh cá, chim chóc bay khắp nơi tạo ra một khung cảnh rất thanh bình.

Bình minh trên cầu UBei

+ Mandalay Hills là ngọn đồi cao của Mandalay rất gần khu vực Mandalay Royal Palace. Từ trên đỉnh có thể nhìn toàn cảnh thành phố Mandalay. Đường đi lên Mandalay Hills là đường đã rải nhựa nhưng khá dốc, nếu bạn có thời gian và sức khỏe thì có thể leo bộ (mất 45’) hoặc chạy xe đạp (30’), còn không thuê xe chở lên giá 1.000 kyat/người/chiều. Theo người dân địa phương thì địa điểm này đẹp hơn Sagaing Hills và nếu bạn có ít thời gian thì nên đi Mandalay Hills.

Hoàng hôn trên Mandalay Hills

– Tham quan đền chùa, tu viện: Khi tham quan đền chùa lớn ở Mandalay, bạn phải mua vé với giá 10.000 kyat cho toàn bộ các chùa của vùng Mandalay có giá trị trong 5 ngày. Đối với các đền chùa có soát vé bạn phải vào điểm kiểm soát (gọi là điểm check point) để kiểm tra vé và đóng dấu đã tham quan vào vé và mỗi chùa chỉ được phép vào 1 lần, còn nếu chùa nào không có soát vé tức là miễn phí. Do ở Mandalay rất nhiều đền, chùa, tu viện do vậy nếu không biết lựa chọn bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để đi mà cảm thấy nhàm chán. Do vậy, sau khi được giới thiệu bởi người dân địa phương và qua quá trình trải nghiệm thực tế, mình khuyến nghị mọi người đi thăm những chỗ nổi tiếng sau đây:

+ Mandalay Royal Palce: Cung điện hoàng gia với các dãy nhà mang kiến trúc đặc trưng của Mandalay thời xưa (có kiểm soát vé).

Cung điện Hoàng gia Mandalay

+ Tu viện Shwenandaw: Tu viện kết cấu bằng gỗ nguyên thủy với nét mộc mạc rất cổ kính và họa tiết bằng gỗ được trạm khắc tinh xảo (có kiểm soát vé). Cá nhân mình đánh giá đây là tu viện cổ rất đẹp.

Tu viện Shwenandaw

+ Tu viện Atumashi: nằm cạnh Shwenandaw với kiến trúc hoàng gia hiện đại.

+ Tu viện Kuthodaw: có một khu dãy dài các tháp trắng với mỗi ô chứa một hình quyển sách (có kiểm soát vé).

+ Tu viện Sandamuni: có những cột tháp bút màu trắng đỉnh vàng đặc trưng rất đẹp.

+ Chùa Kyauk taw gyi: cổng chùa có 2 con lân rất lớn và bên trong có tượng phật lớn nặng 600 tấn và cao 11m.

+ Tu viện Mahagarayon: Đây là tu viện lớn nhất Mynamar và nơi tu hành và giảng đạo cho các phật tử khắp nơi của Myanmar và nhiều nước trên thế giới. Bạn có thể đóng tiền để được trải nghiệm tu hành ở đây.

+ Các đền chùa tham quan ở khu vực làng Inwa: Chùa Yandama Simnme (chùa có tượng phật cổ), Tu viện Bagaya (tu viện cổ làm bằng gỗ), Tháp Palace (tháp cổ), Tu viện Maha Aung Mye Bonzan (tu viện cổ rất đẹp và phải xuất trình vé). Bạn di chuyển đến bến đò mua vé sang làng Inwa vé 1.200 kyat/người/chiều. Đến bên kia sông bạn đi vài bước chân là có sẵn dịch vụ xe ngựa với giá 12.000 kyat/xe chạy từ 2-3 tiếng để tham quan 4 điểm nêu trên,nếu đi thêm các địa điểm khác thì phải trả thêm tiền (thường thì cũng không đẹp hơn là mấy). Trong hành trình tham quan, cá nhân mình thấy Tu viện Maha Aung Mye Bonzan là đẹp xuất sắc nhất và nằm gần bến đò còn các đền chùa tu viện khác chỉ ở mức bình thường. Nếu bạn nào không có nhiều thời gian thì có thể đi bộ 1 đoạn từ bến đò là tới, không phải thuê xe ngựa.

– Ngoài ra, nếu bạn nào có thời gian thì có thể tham quan làng cổ Migun nằm phía bắc với ngôi chùa trắng có kết cấu đẹp. Tương tự như làng Inwa, đến làng này bạn phải đi đò sang và thuê xe để tham quan. Các bạn có nhiều thời gian thì nên tham quan một số làng  truyền thống như xưởng đá quý, xưởng sản xuất vàng lá,…

Tu viện cổ Maha Aung Mye Bonzan

c) Bagan

– Ngắm bình minh/hoàng hôn: Được mệnh danh là bình minh đẹp nhất thế giới, khi vào buổi sớm bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng tuyệt diệu của những chiếc khinh khí cầu bay lên giữa bầu trời mờ ảo của buổi bình minh với ánh mặt trời lấp ló xa xa và bên dưới đó là hàng nghìn ngôi đền chùa.

Bình minh ở Old Bagan

Để thấy được cảnh tượng này, bạn chọn bất kỳ một đền nào miễn là được phép leo lên cao để ngắm, tốt nhất nên hỏi người dân địa phương không nhất thiết là đền Shwe San Daw như nhiều trang mạng có nói vì hiện tại đền đang được tu sửa và cấm leo lên cao. Tụi mình chọn 1 cái đền nằm sau chùa Dhamma ya zi ka vì gần nhất chỗ thuê xe điện để ngắm bình minh (lưu ý vào buổi sớm một số đền chùa chính thường chưa mở cửa đón khách).

Bạn nào thích trải nghiệm ngắm Bagan trên cao thì thuê khinh khí cầu giá: 300-400 USD/người/1 tiếng (nhớ trả giá).

Cảnh tượng khinh khí cầu bay lên lúc bình minh

– Tham quan các đền chùa: Giống như ở Mandalay, khi tham quan đền chùa ở Bagan, bạn phải mua vé với giá 25.000 kyat/người cho toàn bộ các đền chùa của vùng Bagan (nằm trong Old Bagan) có giá trị trong 5 ngày, phí này sẽ được thu trên đường bạn di chuyển vào Old Bagan hoặc New Bagan. Trong quá trình đi taxi, lái xe taxi có gạ gẫm bạn trả cho lái xe 60.000 kyat thì sẽ không mất phí thăm quan đền chùa 25.000 kyat và sẽ chở cả ngày đi tham quan toàn bộ ở Bagan, bạn chớ nghe theo lời này để mắc lừa. Đối với các đền chùa có soát vé bạn phải vào điểm kiểm soát (gọi là điểm check point) để kiểm tra vé và đóng dấu đã tham quan vào vé và mỗi chùa chỉ được phép vào 1 lần, còn nếu không có soát vé tức là miễn phí.

Do số lượng đền chùa của Bagan khá lớn (2.000) do vậy để tránh bị nhàm chán, mình khuyến khích các bạn đi các đền chùa chính có kết cấu đẹp và mang nhiều giá trị về tâm linh sau đây (các bạn có thể tìm kiếm thông tin trên mạng có rất nhiều):

+ Shwezigon: Đây là công trình tôn giáo nổi tiếng nhất và đẹp nhất ở Bagan. Được xây dựng vào thế kỷ thứ 11, đây là công trình kiểu mẫu cho những ngôi chùa được xây dựng sau này ở Myanmar. Đây cũng được tin là nơi cất giữ xương trán và xương đòn của Đức Phật.

+ Ananda: Đây được coi là ngôi đền quan trọng nhất ở Bagan, vì vậy nó được bảo tồn rất kỹ bằng cách thường xuyên được sơn sửa và quét vôi lại, kiến trúc của đền khá độc đáo ở những nét điêu khắc và khắc họa ở phần mái trắng có hình con vật (xuất trình vé).

+ Shwesandaw: Đây là ngôi chùa cao nhất ở Bagan. Du khách rất yêu thích việc đến đây để ngắm toàn cảnh Bagan, đặc biệt vào lúc bình minh tuy nhiên đang được tu sửa và cấm leo. Tại chùa có tượng phật nằm rất cổ ở phía trước đền.

+ Sulamani: Ngôi đền này nổi tiếng là một công trình xây bằng gạch công phu với những chạm khắc tinh xảo. Nó được biết đến như là “viên đá quý trên vương miện” của Bagan.

+ Dhammayangyi Pahto: Đây là một ngôi đền có quá khứ đen tối. Nó được xây dựng bởi một vị vua mắc bệnh tâm thần tên là Narathu. Vua Narathu đã bị ám sát bên trong ngôi đền này và nó được tin là đã bị ma ám.

+ Mahabodhi: Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo tại Bagan với các hình tháp xếp từ các khối gạch với các hình thù điêu khắc tinh xảo từ động vật và hình ảnh tâm linh.

+ Htilominlo: Đây là một ngôi đền Phật giáo được xây bằng gạch đỏ rất ấn tượng. Tên của ngôi đền chính là tên của vị vua đã cho xây dựng nó. Ngôi đền này được xây ở chính xác nơi vị vua này đã đăng quang.

+ Tháp Bu Paya: tháp vàng lớn cạnh bờ sông, từ đây có thể nhìn thấy cảnh sinh hoạt của những chiếc thuyền trên sông, khá ấn tượng,  bạn có thể ngắm hoàng hôn ở đây cũng rất lãng mạn vì cạnh bờ sông.

– Tham quan một số làng nghề truyền thống ở Bagan như dệt lụa, làm thuốc lá, làm đồ gốm sứ,…nếu muốn biết thêm thông tin bạn có thể thuê người làng hướng dẫn viên (họ có thể nói tiếng Anh tốt) và trả tùy tâm từ 2.000-5.000 kyat.

d) Golden Rock (KyaiKhtiyoe)

Golden Rock

– Đây là địa điểm linh thiêng bậc nhất ở Myanmar, hòn đá được dát vàng với tiếp xúc 78 cm nhưng đứng vứng với 15 tấn trên độ cao trên 1.000 m. Truyền thuyết kể rằng dưới chân hòn đá được yểm 1 sợi tóc phật nên không rơi xuống núi. Để di chuyển tới hòn đá bạn phải mất ít nhất là 2/3 ngày với hành trình khá gian nan, tuy nhiên không phải là không đi được, bạn phải trải qua các chặng sau:

+ Từ Yangon đến đến làng Kipun: di chuyển bằng xe bus đêm giá 10.000 kyat/người ngày thường và 12.000 người ngày cuối tuần (Thứ 7, Chủ Nhật). Bạn đặt xe của các công ty du lịch hoặc đến bến xe trung tâm Yangon để hỏi mua vé. Khởi hành từ 21h00 hoặc 22h00 tùy vào hãng xe. Mình lựa chọn hãng Asian Dragon di chuyển lúc 22h00 do đến Yangon muộn. Lúc này đến nơi sẽ tấm 2-3h sáng, nếu xe sẽ dừng ở 1 trong các quán ăn để bạn nghỉ chân. Nếu bạn muốn ngủ thuê phòng 10.000 kyat/phòng (bạn có thể mặc cả xuống nếu ít người) còn nếu ngủ tập thể ở ngoài thì miễn phí (tuy nhiên sẽ rất đông).

+ Từ làng Kipun đến đỉnh núi có chứa hòn đá: di chuyển duy nhất bằng xe chuyên dụng của quân sự giá 2.000 kyat/người/chiều. Chuyến xe sớm nhất là lúc 6h00. Từ chỗ nghỉ, bạn hỏi đến nơi có xe chuyên chở có ngõ nằm đối diện với 1 cây đa lớn (nó là 1 cái bến khá đông ở bên trong). Mỗi xe có 7 hàng thanh ghế ngồi với 6 người/thanh ghế ngồi chen chúc nhau (đúng nghĩa là ngồi trên thùng xe tải không có mái che và được gia cố lại). Trên đường đi, xe có dừng lại ở trạm cáp treo. Nếu bạn thích trải nghiệm đi cáp treo đến tận đỉnh thì có thể xuống xe, nếu không thì ngồi yên để xe chở lên tận đỉnh. Giá đi cáp treo đối với người dân địa phương là 3.000 kyat/người/lượt và người nước ngoài là 7.000 kyat/người/lượt.

+ Từ chỗ đỗ xe trên đỉnh đến vị trí hòn đá: Khi đã đến nơi, bạn đi bộ 700m nữa là đến. Trên đường đi bạn sẽ phải phải qua điểm kiểm soát vé dọc đường và sẽ có người theo dõi xem ai là người nước ngoài sẽ phải vào phòng để kê khai và nộp tiền. Miễn phí tham quan đối với người dân địa phương và khách nước ngoài thu 10.000 kyat/người.

Golden Rock từ trên cao nhìn xuống

– Lưu ý: chỉ có đàn ông mới được lại gần phiến đá, không được phép mang vật dụng như hành lý, điện thoại vào khu vực hòn đá và có nhân viên an ninh kiểm soát. Bạn có thể mua bụi vàng (1.000 kyat/miếng) để dát vào hòn đá hoặc dịch vụ tắm cho tượng phật để cầu chúc cho sự may mắn.

  1. Ăn uống tại Mynamar

a) Ăn uống thông thường

– Mua nước, đồ dùng: hãy vào các siêu thị tiện ích mua để tiết kiệm chi phí. Nhớ kiểm tra số tiền và lấy lại hóa đơn để tránh bị mất tiền oan.

– Ăn uống bình dân (quán vỉa hè) tại Myanmar: cơm suất từ 1.300 – 2.000 kyat/suất.

– Ăn uống nhà hàng tại Mynmar: cơm suất từ 4.500 – 6.500 kyat/suất, chi phí bình quân khoảng 10.000 kyat/bữa/người

Cơm truyền thống Myanmar

– Dưa hấu (hoa quả phổ biến của Myanmar): 200-300 kyat/miếng

– Nước mía, sinh tố: 500 (quán vỉa hè) – 1.500 kyat (nhà hàng).

– Một số món ăn truyền thống của Myanmar nên thử: Mỳ Shan, Cơm truyền thống (carry gà, lợn, cừu), món rán, salad lá trà, bia Myanmar hoặc Mandalay.

– Lưu ý: một số nhà hàng không ăn thịt bò do tín ngưỡng tôn giáo. Ngoài ra, khi gọi cơm truyền thống đã bao gồm rau, củ, dưa muối, ớt, tỏi, cá khô, canh và các món ăn kèm, không cần phải gọi thêm rau nữa.

  1. b) Gợi ý một số quán ăn ngon

– Tại Mandalay:

+ Quán Mingalar Bar: Quán ăn ngon với mức giá chấp nhận được.

+ Quán BBQ Harmorny: Buffet đồ nướng giá 10.000 kyat/người

+ Quán Golden Duck: Nổi tiếng với các món vịt.

– Tại Bagan:

+ Quán Queen Restaurant (không phải Queen House nhé): quán ăn ngon nhất ở Bagan với các món chế biến các nước Á, Âu và thực đơn truyền thống Myanmar và chế biến vừa miệng. Đừng quên gọi món vịt quay, ăn cơm truyền thống Myanmar và uống bia Myanmar.

+ Quán Sin Thu: gần bờ sông giá cả hơi cao nhưng ăn ngon và view đẹp.

+ Quán Golden Emperior và quán chay The Moon.

  1. Đặc sản Myanmar mua về làm quà

Bạn có thể mua hầu hết các đặc sản của Myanmar tại chợ truyền thống Byongue Aung San hoặc dọc các di tích đền chùa cũng đều có bán, cụ thể:

– Trà sữa: Royal Tea cực ngon và được nhiều bạn trẻ Việt Nam ưa thích giá 2.700 kyat/gói.

– Kẹo lạc: đặc sản vùng Yangon (lớp ngoài đường cứng bên trong là bột lạc mềm) hoặc Mandalay (giống kẹo lạc Việt Nam) giá 1.000 kyat/gói.

– Kẹo me: đặc sản vùng Bagan giá 1.500 kyat/gói.

– Tranh: nếu bạn nào quan tâm đến nghệ thuật có thể mua về trưng bày.

– Ngọc và đá quý: bạn nào có điều kiện tài chính có thể mua về làm trang sức.

– Bột Thanaka dùng để bôi mặt, dưỡng da (có thể mua dạng kem hoặc bột tán nhỏ).

– Longyi: trang phục truyền thống của Myanmar (cả phụ nữ và nam giới đều mặc)

– Rượu Whisky Myanmar thương hiệu Grand giá 5- 9-12 USD/chai tùy kích cỡ (mua tại sân bay).

  1. Những điều cần chú ý khi du lịch đến Myanmar

Mynamar mới mở cửa nên dịch vụ du lịch còn chưa chuyên nghiệp, tình trạng lừa lọc và chạc tiền của khách du lịch nước ngoài diễn ra phổ biến kể cả người dân địa phương trong khi điều này lại không được đề cập đến trong nhiều bài review và các website trên mạng. Do vậy, để tránh bị mất tiền oan, bạn cần chú ý những điều sau đây:

– Thủ tục nhập cảnh: Myanmar nằm trong khu vực ASEAN nên bạn sẽ không phải mất visa khi đến nước này. Thủ tục nhập cảnh của Myanmar cũng khá nhanh chóng với thời gian cư trú tối đa dành cho khách du lịch là 14 ngày. Bạn không được mang quá 10.000 USD vào Myanmar, nếu không sẽ bị hỏi và kê khai. Trong phần kê khai hành lý và hàng hóa đến lúc nhập cảnh sẽ có 2 ô: màu xanh (green) là hành lý không phải kê khai và ô màu đỏ (red) là hành lý phải kê khai. Sau khi àm thủ tục nhập cảnh, hải quan sẽ trả lại bạn tờ khai hàng hóa. Trước khi ra khỏi khu vực sân bay, hành lý của bạn sẽ bị soi chiếu 1 lần nữa với 2 quầy xanh, đỏ như trên. Bạn xếp hàng theo đúng màu mà bạn đã kê khai nêu trên để làm thủ tục soi chiếu và nộp lại tờ khai hàng hóa nêu trên cho nhân viên sân bay.

– Đi lại: Ở Myanmar tình trạng lái xe taxi mồi chài chèo kéo khách và chạc tiền của khách khá phổ biến ngoài ra các lái xe taxi thường câu kết thành bè phái móc nối với cánh xe bus đêm do vậy bạn nên tham khảo giá trước khi đến để nắm được giá nhằm đàm phán với họ, không thì sẽ mất một khoản tiền lớn. Mình đã chứng kiến 1 gia đình bị tính giá tới 35.000 kyat di chuyển bằng taxi trong khi giá gốc có 7.000 kyat ở Bagan. Ngoài ra, khi nhận lại tiền thừa của lái xe taxi bạn nên kiểm tra kỹ xem họ trả đầy đủ chưa. Trong quá trình đàm phán giá cả, bạn cũng nên khiêm nhường không nên tỏ thái độ nóng nảy với họ để tránh phiền phức.

– Mua sắm: Các chợ của Mynamar không khác gì chợ của Việt Nam với khả năng nói thách so với giá trị hàng hóa từ 25%-50% (tùy mặt hàng), do vậy bạn nên chú ý mặc cả, đi khảo giá 1 lần rồi mới quyết định mua. Tại các khu vực đền chùa thường có tình trạng chèo kéo hướng dẫn viên miễn phí, đòi mua hàng, ăn xin, xin hỗ trợ,… hòng để moi tiền của khách du lịch, bạn tuyệt đối từ chối khéo và tránh.

– Ăn uống: Một số nhà hàng, quán ăn vỉa hè thực đơn không có niêm yết giá cho từng món ăn, bạn nên hỏi kỹ giá rồi mới quyết định chọn món.

– Thuê xe: Khi thuê xe du lịch dành cho nhóm (taxi, xe ôm,…) bạn phải hỏi rõ là xe chở đi những đâu, thời gian bao lâu, dành cho mấy người, giá cuối cùng là bao nhiêu,…

– Tham quan: Trước đây, khách du lịch nước ngoài tham quan một số đền chùa lớn của Myanmar thường không phải trả phí. Tuy nhiên, từ 9/12/2017, chính quyền Myanmar bắt đầu thu phí vào đền chùa đối với khách nước ngoài còn khách địa phương được miễn phí. Phí đền chùa có thể tính khi tham quan cho tất cả các đền chùa cho cả một vùng (ở Mandalay, Bagan) hoặc từng đền chùa riêng lẻ (ở Yangon).

– An ninh: Nhìn chung, sau khi trải nghiệm mình đánh giá an ninh tại đây chỉ ở mức khá và không được tốt lắm theo như nhiều trang mạng có nói. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và tiết kiệm chi phí nên đi du lịch Myanmar theo nhóm từ 2 người trở lên, không khuyến khích đi 1 mình (nhất là các bạn nữ).

– Các ngân hàng, cửa hiệu mở cửa từ 9h30, bạn nên chú ý thời gian trong khi các đền, chùa, cung điện thường mở cửa lúc 7h00 đóng cửa lúc 16h30.

  1. Lịch trình tham khảo

Để tham quan được hết các địa điểm của Mynamar (5 địa điểm nổi bật gồm Yangon, Bagan, Mandalay, Inle Lake và Golden Rock) và đảm bảo sức khỏe bạn cần ít nhất 6-7 ngày. Do bọn mình được nghỉ ít, không có nhiều thời gian nên đã quyết định đặt ra một lịch trình rất khít nhằm chỉ để tham quan 4 điểm theo lộ trình Golden Rock – Mandalay – Bagan – Yangon (bỏ qua hồ Inle Lake) trong vòng 4 ngày 4 đêm. Với lịch trình này tụi mình sẽ di chuyển liên tục và ngủ đêm trên xe bus để tiết kiệm thời gian và phòng trọ nên mình không khuyến khích đối với các bạn có sức khỏe yếu và nhóm các bạn đi theo gia đình hay người già đi theo lịch trình này. Nếu các bạn dư giả thời gian sau mỗi ngày có thể đặt phòng nghỉ 1 đêm tại 1 thành phố nào đó nghỉ ngơi để đi tiếp.

 – Ngày 0:                                                                              

+ Bay chặng Hà Nội – Yangon vào buổi chiều tối.

+ Bắt xe bus đêm đến khu vực làng Kipun.

– Ngày 1:

+ Có mặt tại làng Kipun và bắt đầu di chuyến đến tham quan Golden Rock.

+ Di chuyển trở lại làng Kipun và ăn trưa tại làng Kipun.

+ Bắt xe bus trở về Yangon và bắt taxi đến bến xe Aung Mingalar.

+ Ăn tối tại gần bến xe.

+ Bắt xe bus đêm đến Mandalay.

– Ngày 2:

+ Có mặt tại Mandalay và di chuyển tới cầu Ubein.

+ Đón bình minh tại cầu Ubein.

+ Di chuyển và đi đò qua làng Inwa.

+ Thuê xe ngựa tham quan đền chùa tại làng Inwa.

+ Đi đò về và tham quan tiếp tu viện Mahagarayon.

+ Di chuyển về và ăn trưa tại trung tâm Mandalay.

+ Chiều tiếp tục tham quan các địa điểm: Mandalay Royal Palace, Tu viện Shwenandaw (Golden Palace), Tu viện Atumashi, Tu viện Kuthodaw, Tu viện Sandamuni, Chùa Kyauktawgyi.

+ Đón hoàng hôn tại Mandalay Hills.

+ Di chuyển ra bến xe Kywel Sel Kan.

+ Ăn tối cạnh khu vực bến xe.

+ Bắt xe bus đêm đến Bagan.

– Ngày 3:

+ Có mặt tại Bagan và bắt taxi vào New Bagan.

+ Thuê xe máy đón bình minh tại Old Bagan.

+ Tham quan đền chùa tại Old Bagan.

+ Ăn trưa tại Nhà hàng Si Thu.

+ Tiếp tục tham quan đền chùa tại Old Bagan.

+ Ăn tối tại Nhà hàng Queen Restaurant.

+ Di chuyển ra bến xe Bagan Shwe Pyi.

+ Bắt xe bus đêm đến Yangon.

– Ngày 4:

+ Có mặt tại Yangon và bắt taxi tham quan chùa Shwedagon.

+ Bắt taxi tham quan tiếp chùa ChakHtagyie, Sule, Batangua.

+ Ăn trưa tại Junction City.

+ Đi chợ Byaong Aung San và bắt taxi ra dạo chơi ở Hồ Iyna.

+ Bắt taxi ra sân bay Yangon.

+ Bay chặng Yangon – Hà Nội vào buổi chiều tối.

 

Bài dự thi của bạn Bùi Thanh Tùng