Bọn mình đến với Indonesia rất tình cờ, trong một lần tung tăng trên mạng, Bali hiện ra như một phép màu với hình ảnh lung linh, kèm theo khuyến mãi của hãng vé máy bay, ngay trong ngày, mình gọi cho mấy ‘lê lết thủ’ và chốt được show cho 8 con người ham vui, chỉ 4tr cho vé khứ hồi HCM-BAL. Có gì mà phải đắn đo nhỉ? (dĩ nhiên là phải quá cảnh thêm ở Jakarta chứ nào được bay thẳng)

Chương trình diễn ra đơn giản hết sức có thể, đi cả tuần mà chỉ mang duy nhất một balo 7kg, quần áo gọn nhẹ theo chuẩn siêu mỏng, siêu mát, vì dù sao đấy cũng là xứ nhiệt đới mà. Tuy nhiên, hành lý đợt về bọn mình có mua thêm 1 gói 30kg để mang quà Indo về.

Kinh Nghiệm: săn vé máy bay trước khoảng 3 tháng, chọn thời gian bay đi/về ngày thường sẽ rẻ hơn cuối tuần. Chọn giờ bay khuya sẽ rẻ hơn, nhưng bù lại tốn thêm tiền khách sạn 1 đêm, nên tùy các bạn cân chỉnh.

NGÀY 1:

Do một vài bạn trong nhóm cũng chưa đi Singapore bao giờ, nên bọn mình chọn thêm quá cảnh ở sân bay Sing 6 tiếng để sẵn dịp đi dạo thêm một tí. (Mang tiếng đi Bali, mà mỗi chỗ tấp vào 1 tí, tính ra bay được cả 5 chuyến: đi HCM-SIN-JKT-BALI về BALI-JKT-HCM).

Đến Singapore vào buổi trưa, khoảng 11h, do hành lý không có gì, nên cả nhóm nhanh chóng ra khỏi sân bay để tham gia food tour (sáng đến giờ quyết tâm không ăn gì để qua đây ăn sập Singapore luôn)

Đầu tiên là đi tàu điện MRT ra khỏi sân bay, do chỉ quá cảnh trong một thời gian ngắn nên bọn mình chọn mua vé từng chuyến (nếu bạn ở Singapore lâu thì nên mua thẻ MRT ezlink để di chuyển tiết kiệm hơn), đến trạm Bugis ăn ở food court ngay đó. Món ăn thì bao la, tha hồ lựa nên cũng hơi rối. Cuối cùng cũng chọn được 1 quán có các món truyền thống như Laksa, fish ball, bánh cà rốt….và với số lượng nhân sự là 8, bọn mình đã có thể thử hết bấy nhiêu món khác nhau. Tùy từng trường hợp mà món hợp khẩu vị thì 1 giây là hết, món có vị lạ quá ăn ko được thì cả đám cùng nhìn nhau và đùn đẩy.

Sau đó lại lên đường sang quán chè, kem, bingsu-First Dessert ngay đường Liang Seah gần đó ăn tráng miệng. Đúng như lời đồn thêu dệt trên những trang review trước đó, bingsu ở đây ngon đến mức nao lòng người nhìn, nức lòng người ăn, ngầy ngật người đã ăn hết.

Kinh Nghiệm: đi tự túc nên theo số chẵn 2-4-6-8 người để dễ mướn phòng, tiện thuê xe (đừng đi quá đông khó kiểm soát). Đi từ 4 người trở lên sẽ có thêm ưu điểm là tha hồ tận thử ẩm thực địa phương mà ko sợ quá tải cho bao tử, cũng như dễ dàng trả giá khi mua đồ mang về, vì nhiều người cùng mua thì sẽ được giảm giá thôi J

Sau khi ăn uống no say và đi bộ một đoạn đế ngắm Singapore thì cả đoàn về lại sân bay để tránh bị lỡ chuyến. Kết thúc cuộc tham quan Singapore ngắn nhất quả đất.

Việc quá cảnh tại sân bay Singapore là một hạnh phúc, chỉ cần đi dạo vòng quanh các Terminal thôi cũng thấy vui rồi. Người Sing thật biết cách làm cho những giờ chờ máy bay dài đằng đẵng tan biến trong những dãy hành lang hun hút đầy quầy hàng shopping và các tiện tích thú vị (từ rạp Movie theatre  chiếu phim 24/7 đến Entertainment deck để chơi game giải trí, từ các vườn hoa Sunflower garden, vườn bướm Butterfly garden để thư giãn đến Snooze Lounge khu vực để ngủ nghỉ….). Dù vui thế nào thì sân bay vẫn có những quy định của nó, và tốt nhất là đừng vi phạm. Bạn sẽ không muốn thử thách an ninh sân bay cùng chó nghiệp vụ của họ cũng như liều lĩnh bị bắt lại nơi xứ người. Đây là con em mình, khi vô tình mang theo một vỏ đạn rỗng làm móc chìa khóa và bị tịch thu, đổi lại nhận về một tờ biên bản cảnh cáo cho lần nhập cảnh sau.

Có gì ở sân bay Changi, Singapore – sân bay đẹp & xịn nhất thế giới

Kinh Nghiệm: sau bao lần đau thương là không mang những thứ kì lạ và có dấu hiệu nguy hiểm (đạn, đồ sắc bén….) , nếu vi phạm sẽ bị giữ lại và kiểm tra rất phiền phức. Càng ít đồ trên người càng qua cổng nhanh hơn, không bị rớt, sót khi qua máy soi….

Sau chuyến bay dài gần 2h, bọn mình đến Jakarta, thủ phủ của Indonesia khoảng 9h tối. Việc đầu tiên cần làm là mua 2 cái sim, ghi lại số/chụp lại hình. Đi đâu cũng bám theo đứa giữ sim, chia sim theo cách đứa nhanh nhẹn giữ 1 cái để điều động, hỏi han. Một đứa chậm rãi (chậm chạp hehe) giữ cái kia để những đứa còn lại dù style nào cũng sẽ đi theo kịp 1 đứa đang có sim điện thoại.

Kinh Nghiệm: ghi lại số điện thoại cần thiết, lấy card-visit khách sạn để lỡ có lạc và không nói cho người bản địa hiểu được thì còn có cái để đưa cho người ta xem.

Taxi sân bay ở đây còn loạn lạc hơn Việt Nam, đủ mọi loại xe và có cả taxi ôm (cách bọn mình gọi xe taxi không nhãn hiệu, ko số điện thoại, có đồng hồ bấm giờ đàng hoàng, nhưng hầu như ko dùng tới vì họ thích ngã giá với khách hơn) Sau một lúc rối loạn thì mình đã tìm được taxi chính hãng “Con chim xanh” để ra khỏi sân bay.

Kinh Nghiệm: Đây là hãng uy tín, nên chỉ đi taxi chính hãng Bluebird, tuyệt đối không đi “con chim vàng” hay “con hạc xanh” vì có rất nhiểu chiếc có logo tương tự trên đường. Tốt nhất cũng đừng la to chữ “Bluebird”. Hãy nói tiếng Việt đi vì các người lái xe khác hiểu “Bluebird” và sẽ mặt nặng mày nhẹ với bạn.

Do chỉ ở Jakarta có 1 ngày để cho biết mùi vị thủ đô, nên bọn mình chọn mướn 1 căn hộ chung cư, hơi xa trung tâm chút xíu, giá phòng khoảng 500k rupiah (~1tr VND), 3 phòng ngù, 1 bếp, 1 phòng khách, có máy lạnh, có hồ bơi chung.

Quan điểm cá nhân mình là đã đi chơi thì không dc ăn đồ nhà, nên tuyệt  đối không đem theo Sandwiches, mì gói hay bánh quy mua ở Việt Nam. Sống chết gì cũng phải thử đồ ăn nước lạ. Đêm đó đến nơi quá trễ nên tất cả những gì kiếm được là cửa hàng tiện lợi và mình đã được thưởng thức món Indo Mie thần thánh đang làm náo động tại Shop&Go VN ngay trong đêm đầu tiên tại Indonesia. Không bàn tới chuyện ngon dở, vì khẩu vị mỗi người trong cùng một nước còn khác huống hồ gì Việt Nam và Indo, mình vẫn luôn hạnh phúc vì được đi, được ăn, được làm tất cả những thứ có thể tại tất cả những nơi mình đã tới.

Quan điểm cá nhân: mì này ‘ngộ’ lắm. Nhưng chắc vì mì gói VN ngon nhất quả đất  nên dân ta mới ăn mì gói nhiều như vậy. Haha

NGÀY 2:

Đi vòng vòng thám thính để có đau bụng hay đói còn ‘sống sót’ dc, bọn mình đi điều tra khu vực xung quanh chung cư đang ở. Họ xây tương tự như khu phức hợp Vinhomes Central Park gồm nhiều loại căn hộ trong một khu đất với vô vàn những tiện ích kèm theo, từ trường học đến bệnh viện, từ khu vui chơi đến bể bơi, có thể ở đây không cần ra ngoài vẫn đủ tiện nghi.

Quán ăn ngay trong khu căn hộ, chuẩn mực, và ngon. 

Trưa hôm nay bọn mình lên đường đi Bali, sân bay Bali chào đón mình với cảm giác ngộ nghĩnh: sân bay mang đậm màu sắc địa phương và du lịch nhưng khá khiêm tốn, toàn những bạn tây mắt xanh tóc vàng, hầu như không thấy dân Á Đông, có lẽ vì họ lỡ mê đắm vẻ hoang sơ trong kiến trúc cũng như nét cuồng dại trong những con sóng, hoặc cũng có thể vì muốn một lần nhìn thấy những rạn san hô được bảo tồn gần như hoàn hảo ở nơi đây.

NGÀY 3                                                     

Bali có hai khu vực chính, bãi biển Kuta và khu núi đồi Ubud,  cách nhau tầm 15km. Không thể bảo đã khám phá đủ Bali nếu chỉ ở một trong hai nên bọn mình chọn ngủ hai ngày đầu ở biển và dành hai ngày sau trong đất liền.

Bali có hấp dẫn không nếu thiếu những Boutique Hotel, nho nhỏ, ấm cúng, nhưng đầy chất nghệ thuật? Dù kinh phí ít ko đủ ở resort siêu sang, nhưng bọn mình sống chết cũng phải kiếm cho được chỗ có hồ bơi cũng như khung cảnh thơ mộng cực chất như thế này… và trời quả không phụ lòng (tham) của người tốt.

Đây là tầm nhìn từ phòng mình xuống thẳng hồ bơi villa Bunga, theo mình nơi đây đẹp và giá cả cực kì hợp lý, chỉ khoảng 700k VND/phòng 2 người, bao luôn ăn sáng

Khu Kuta rất nhộn nhịp, đầy quán xá, cửa hàng lưu niệm, đường phố đông đúc toàn xe tay ga giống Click/Vision bên mình, mà người lái hầu hết là các anh chị Tây, trên xe đa phần có móc để gắn ván lướt sóng.

Không có lí do gì để một người Việt Nam chân chính lại phải nhún mình sợ hãi trước giao thông của Indo nên cả bọn quyết định, tay không bằng nhưng vẫn cầm lái. Và phải công nhận một điều,  đi xe máy ở Indo vui cực! Ở đấy họ cũng như mình, đường nhỏ, hầu hết là xe máy, không phải motor như Mỹ hay Vespa như Ý và thường xuyên kẹt xe. Khác biệt đáng sợ là ở việc họ chạy ngược hướng, tức là chạy bên lề trái đường, vào vòng xoay theo chiều kim đồng hồ…Khi chưa quen sẽ lại rất dễ “đi ngược với định hướng của xã hội”. Mỗi khi ôm cua xong là cả bọn đều đang thấy mình tung tăng nhầm trong làn xe tải (!!!).

Kinh nghiệm: chụp ngay cái biển số xe, chứ ko gửi xe xong chút nữa quay ra ko biết đâu là xe mình luôn, thêm cái nữa là là đứng ngay cái cửa hiệu chụp hình (quán ăn, chỗ thuê xe, văn phòng tour…) Vì sao? vì khi lỡ cần dịch vụ hỗ trợ của họ, lôi cái hình ra là có địa chỉ và số điện thoại. Lần đó còn khờ, đi thuê ôtô đâu có thèm lấy card, rồi quên đồ trên xe, may mà trước đó trong lúc chờ thuê xe mình rảnh quá selfie trước cửa tiệm, thế là có cái số điện thoại để gọi hỏi.

Chương trình relax là chính nên khi tới bọn mình vẫn chưa vội đi tham quan mà chỉ mướn xe chạy quanh khu lân cận chơi,  phát hiện ra quá nhiều chỗ để tấp vào, quá nhiều thứ để xem.

Đây cũng chỉ là một cái đền nhỏ trên đường đi dạo, kiến trúc cổng độc đáo cứ như khắc một trụ miếu thờ, sau đó chia đôi ra để làm cổng. Kiến trúc này có ở gần như mọi nơi và đây là hình chụp một cái đền lọt thỏm giữa những ngôi nhà bình thường khác. 

Niềm vui của việc đi đến một nơi xa lạ là chỉ đi bộ thôi cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Như Lê Bích từng viết “Căn bản mà nói nếu không cẩn thận, mọi thứ đều có thể gây ra hạnh phúc”

Kinh nghiệm làm tour nói chung: mở bản đồ, xem cái điểm hấp dẫn gần nhau để đi cùng 1 lúc cho tiện.

Đầu giờ chiều bọn mình lên xe máy và phi thẳng ra ULUWATU, sau khoảng 30km băng băng xe máy dọc biển thì đến đền. Cái đền như cái miếu xíu xa xa trên vách núi và cái bọn ngoại đạo ăn mặc hở hang này phải quấn cái sarong tím để được lại gần nơi thiêng liêng này. Phải công nhận, nơi đây là đẹp nhất để ngắm hoàng hôn ở Bali.

Trên đường về bọn mình định ghé Rock bar, vì địa điểm này được đánh giá rất cao trên các website du lịch nhưng rất tiếc đã full bàn, bọn mình đi tiếp đến Jimbaran, khu ăn uống hấp dẫn lãng mạn trên bờ biển. Còn gì thú vị hơn ăn tối bên ánh nến mờ ảo, chân đặt lên cát, tai nghe sóng vỗ, nhịp chân theo tiếng đàn của những nghệ sĩ chơi nhạc gần đấy. May mắn thay cả bọn còn tình cờ bắt gặp một màn cầu hôn lãng mạn giữa biển đêm.

NGÀY 4

 Trời mưa từ sáng sớm. Sau khi ăn tại khách sạn, bọn mình lên đường đi Tanah Lot. Nếu Uluwatu ở phía Nam của Kuta thì Tanah Lot ở phía Bắc, cũng trên cung đường dọc bờ biển thần thánh đó.

Tanah Lot – Thánh địa nổi trên mặt biển. Biểu tượng của nền văn hóa Bali đẹp lung linh, cực kì xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra để đến đây. Có một điều đặc biệt là khi thủy triều lên che lấp hoàn toàn lối đi, ngôi đền nằm cô đơn và chơi vơi giữa biển. Đó là lí do bọn mình phải dậy sớm và đi… cho kịp con nước.

Đây là anh tình nguyện viên dể thương dẫn khách tham quan lội nước ra đền
Các thầy sẽ làm phép và quét nước thánh lên trán bạn, cùng lời cầu chúc vạn sự hanh thông cho những du khách đã cất công đến đây.

Những hạt gạo trắng trên trán bọn mình cũng nằm trong quá trình cầu chúc may mắn đó (mình không rõ việc này có ý nghĩa thế nào trong đạo Hindu bên Indonesia, nhưng mình nghĩ nó giống với việc xin lộc của đạo Phật) 

Dĩ nhiên, người ngoại đạo không được vào trong đền và chỉ được đi dạo bên ngoài, tưởng tượng về quan cảnh bên trong với tâm trạng đầy bức bối lẫn tò mò.

Một điểm lưu ý là ở Bali hầu như không thấy tên đường, mọi bảng hiệu, cửa hàng đều không có, mình tự hỏi dân Bali có bao giờ đi lạc không, chứ bọn mình lạc mỗi ngày, lạc có kinh nghiệm, lạc có chứng chỉ, lạc không biết đường về và lạc cũng không biết hỏi ai. Nên tốt nhất các bạn nhớ sắm sim 4G, chạy theo GPS, cứ nhìn vào cái chấm mà chạy, khỏi nhìn đường cho mất công.

Nếu bạn tìm một Bali xinh tươi cát trắng mịn màng, bờ biển dài xa xăm tít tắp xanh rì như trên những bức hình chụp trăng mật của các cặp đôi nổi tiếng, bạn phải bỏ ra một số tiền kha khá và sống trong resort tách biệt với phần còn lại của Bali vì trên thực tế, phần lớn “cát biển” của Bali được cấu thành bởi những vụn san hô chết trôi dạt vào bờ, rất cứng và nhọn. Nước biển cũng chỉ trong vắt ở một số khu vực nhất định và thường không được bắt mắt ở các bãi biển công cộng, không thu phí. Được một điều, có thể do địa hình bên cạnh vách núi, nhiều đá ngầm làm cho sóng mạnh và cuồn cuộn, nên sóng ở bali là bao la, miễn phí. Đó là lí do các ‘lướt thủ’ rủ nhau đến Bali để được cưỡi lên đầu những con sóng trắng xóa nơi đây.

Chiều đấy bọn mình đổi khách sạn, lên khu Ubud tập làm dân miền núi. Tối đó cả bọn ghé chợ địa phương, đi bộ dọc những vỉa hè tối om không một chút đèn đường, thử đồ ăn dân dã và xem dân tình sống ra sao.

Đây là Hủ tiếu bò viên Made in Indonesia, với cọng hủ tiếu màu xanh ngọc, còn bò viên thì to vật vã, cỡ trái banh tennis chứ ko ngoa.

Việc đi du lịch, ngoài ngắm cảnh đẹp, ăn món lạ, còn là làm quen với người địa phương và phong tục thì mình còn học được vô số thứ bằng cách bắt chuyện với những người tình cờ đi ngang, từ câu chào và lời cảm ơn với anh đổ xăng ven đường, đến học tên mấy món ăn từ chị bán quán gần khách sạn. Kết quả là sau 2 ngày ở Indo thì mình có thể chào, gọi món cho tám mạng người và cảm ơn khi tính tiền. Coi như thành công dân Indo cơ bản, dạng công dân không biết gì ngoài kêu đồ ăn và cười.

Do tiếng anh không phải ngôn ngữ chính nên tại Indo, bạn phải vừa nói vừa múa mới hy vọng những gì bạn nói và những gì người kia hiểu là như nhau.. Sau đây là vài ba từ để bạn biết đường gọi món/đọc Menu bằng tiếng Indo. Cách phát âm thì tương tự tiếng Việt, nên thấy gì thì đọc đó thôi.

Mie = Mì / Nasi = cơm

Telur = trứng           

Sapi = thịt bò

Ayam = gà

Babi = heo (sau khi qua Indo, ai kêu mình Babi mình ghét lắm)

Sayur-mayur = rau củ

Guling = quay / Goreng = Chiên / Sate = Xiên que, nướng

Ví dụ: Cơm chiên thì cứ Nasi goreng, Heo quay thì cứ Babi guling mà làm tiếp

NGÀY 5            

Sau 2 ngày vi vu trên xe máy khám phá mọi ngóc ngách trung tâm Bali thì cũng thấm mệt, lại nghe đồn khu vực Ubud sẽ thôn quê, vắng vẻ hơn, xung quanh toàn rừng nên cả bọn cũng đâm lo. Cả nhóm quyết định chuyển qua thuê ô tô và tài xế để tiếp tục tung tăng. Như đã nhắc trước đó, việc chụp biển số lại là cần thiết và không thừa đâu nha. Điểm tham quan đầu tiên của ngày là nơi các nghệ nhân vẽ Batik with Ketut Sujana, chỉ với sáp ong và công thức bí truyền, họ đã cho ra đời những mảnh vải màu sắc hoa văn độc đáo, không thể giống nhau hoàn toàn, vì hầu hết các công đoạn đều được làm bằng tay.

Công thức chung là cứ một bữa ăn bình dân sẽ đi kèm một bữa ăn sang chảnh, phải thử hết thượng vàng hạ cám chứ! Còn đây là hình ảnh một bữa ăn “thôn quê”  hoành tráng, chi phí khoảng 2tr VND cho tám người ăn…không no. 

Sau khi ăn trưa, tiện đường, bọn mình ghé Hang voi, cơ bản theo mình là không có gì đặc sắc trừ các cửa hàng bán đồ lưu niệm bá đạo bên ngoài, với các câu châm ngôn hài hước và vô số quần áo bản địa với style rất biển đảo. 

Và đây, sau mấy ngày lang thang hòa nhập cùng cư dân đảo Bali, cái làm mình cảm thấy tuột cảm xúc nhất chính là “những thửa ruộng bậc thang trữ tình thôn quê” ở đây. Mình đi tham quan ruộng bậc thang theo chỉ dẫn của một anh bản địa thân thiện nhưng cảm giác duy nhất trong mình là…
“Ơ, nhỏ thế sao? Ruộng bao la của mình đâu? Ruộng xanh mướt mơn mởn của mình đâu? Ơ, hết rồi sao?”. Nếu như ruộng bậc thang ở khu Tây Bắc VN tạo cho mình cảm giác vĩ đại và ngưỡng mộ như tận mắt thấy chúa tể sơn lâm tung hoành trong rừng rậm, thì ruộng mà mình đứng đây lại như một con sư tử ở trong chuồng thú, không cẩn thận sẽ lại thất vọng tràn trề. Nên riêng về ruộng bậc thang, xin tặng cho Mù Cang Chải của Việt Nam mình một tấm huy chương.

Sau bao nhiêu ngày ăn Indo, uống Indo (với phần gia vị khá là nồng mùi cà ri, mùi dừa, mùi đậu phộng,… bọn mình thèm một tí hương vị quê nhà, hoặc gần gần nhà cũng được), và may mắn là đã tìm được một quán siêu bình dân (ở VN mình có thể gọi là quán cóc). Đồ ăn nấu lai một chút Ấn một chút Hoa, cả bữa tối no say cho 8 con người giá chỉ khoảng 350k VND. Với vốn tiếng Indo ‘siêu ngầu’ và ‘siêu nhiều’, mình đã lao vào bếp và chỉ đạo nghệ thuật cho anh bếp trưởng để mang ra bữa ăn siêu vừa ý, mà cả 8 đứa đều bình chọn là ngon nhất từ ngày qua đây. 

NGÀY 6

Trời thương, mấy người bạn bản địa bảo là mấy bữa nay mưa dữ lắm, mới hết cách đây mấy ngày thôi (từ ngày mình đến). Trời thì vẫn mát mẻ, ra vẻ muốn mưa, nhưng nghĩ lại chắc không nỡ làm ướt bọn trẻ.

Địa điểm mấu chốt của hôm nay là Tirta Empul – HOLY SPRING WATER một trong những ngôi đền quan trọng nhất ở Bali, có tuổi đời trên 1000 năm. Nước ở đây được coi là món quà dành cho người Bali, giúp trí tuệ thông thái và mang lại thịnh vượng cho những người được tắm mình trong đó. Bên cạnh cảnh đẹp hùng vĩ của Uluwatu, vị trí độc đáo của Tanah Lot thì Tirta Empul là nơi mình thích nhất, chưa bao giờ mình được trầm mình trong dòng nước trong và mát lạnh đến thế. Sẵn dịp khoe luôn là mình có làm liều uống thử, và không hề đau bụng nhá.

Trước khi mình chụp tấm này thì người ta cầu nguyện đông lắm, nhưng mình xuống thì người ta bỏ lên hết, nghĩ mãi cũng không hiểu tại sao… 

Dọc đường đi ra khỏi Tirta Empul có vô số quầy bán Sarong, đủ loại, từ cổ điển cho đến thời thượng. Sau một lúc đắn đo mình cũng mua một cái cho bản thân (không phải đắn đo nên mua hay không, mà đắn đo nên mua mấy cái), và thề là tới bây giờ vẫn còn tiếc vì cái quyết định sai lầm đó. Vì ở đấy có nhiều cái đẹp lắm, đáng lẽ phải mua hết, mua hết, mua hết!!! 

Buổi trưa cả nhóm về lại Ubud, lại ăn uống sang chảnh trong một quán ngay trung tâm kiểu như khu Bùi Viện, thiết kế đẹp, đồ ăn tạm ổn, giá cả thì trên núi, khoảng 250kVND/dĩa. Nhưng đẹp, nên mình tha thứ hết.

Buồi chiều cuối cùng ở Bali được dùng để đóng gói hành lý và mua thêm một ít quà mang về, lúc này vấn nạn hành lý mới phát sinh. Cả nhóm có 30kg mua thêm để mang đồ về, nhưng…không có vali hay thùng khả dĩ để đựng đồ thì biết làm sao? Nên nhớ, mua vali không phải là một lựa chọn. Cái khó ló cái khôn, kinh nghiệm bao năm đi bụi đã cho mình ý tưởng lao thằng vào cái siêu thị gần đó, để hỏi xin mấy cái thùng sữa/thùng bia rỗng của họ. Và tất cả những gì bọn mình phải mua để đóng gói hành lý là 1 cuộn băng keo bự. Hết.

Bữa ăn tối cuối cùng, chia tay Bali, cả nhóm ghé siêu thị ấy đó mua ít bia bọt, ghé quán bình dân Ấn Hoa hôm trước, mua về một cơ số đồ ăn nhưng do tranh ăn nên quên chụp, lúc nhớ ra còn có bao nhiêu đây thôi. Ở Indo được cái họ ít dùng hộp nhựa, túi nilon như mình, hầu hết đồ ăn được cho và tờ giấy có một mặt chống thấm hút và gói lại, rất gọn và tiện.

NGÀY 7 BAY VỀ JAKARTA và HCM

Tổng thiệt hại của chuyến đi 7 ngày, qua 3 thành phố Singapore, Jakarta, Bali là 10 triệu đồng/em, tính luôn cả vé máy bay khứ hồi. Chương trình thì cũng không phải dạng sang chảnh, nhưng cũng không phải siêu tiết kiệm hít không khí, uống nước lọc, ăn mì gói. Với bọn mình như vậy là đủ, Bali hiện ra trong mắt mình cũng đủ đẹp, đủ thân thiện, đủ gần gũi, đủ xa lạ, đủ hấp dẫn để mình lại có tinh thần đi tiếp đến những chân trời mới.

“A whole new world                          

A hundred thousand things to see”

Đi cách đây mấy năm rồi, bây giờ viết ra, cảm thấy hạnh phúc cứ như được đi lại lần nữa ấy. Chắc phải lên kèo làm tiếp một phi vụ thôi.

 

Bài dự thi của bạn Huỳnh Trần Nhật Tiên