Tổng quan

         Đây là một chuyến đi khá tham vọng của tớ và chị gái vì các địa điểm đều ở rất xa nhau: Chiang Mai nằm ở gần cực bắc của Thái Lan, Phuket thì ở gần cực nam, trong khi Bangkok thì nằm ở giữa. Vì thế, bạn phải chuẩn bị sức khỏe và tinh thần thật tốt, đồng thời lên kế hoạch thật chi tiết để kết hợp giữa việc ăn chơi, tham quan và việc di chuyển. Để tiết kiệm tối đa thời gian di chuyển, hai chị em tớ đã quyết định sử dụng máy bay giữa tất cả các điểm đến chính, và chọn nghỉ chân ở những nhà trọ gần địa điểm tham quan hoặc phương tiện công cộng.

Ngày 1: Hà Nội – Chiang Mai            

Ngóng chờ mãi cuối cùng cũng đã có chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến Chiang Mai. Chúng tớ bay chuyến PG 996 của Bangkok Air vào lúc 12h45 trưa (hình như ngày nào cũng có chuyến bay và cũng chỉ bay mỗi giờ này thôi thì phải). Vé máy bay tầm 3 triệu/người đã bao gồm cả bữa ăn trưa trên máy bay. Mỗi người được 20kg ký gửi, nhưng lại chỉ có 5kg xách tay nên các bạn lưu ý về khoản pack đồ nhé.

Sau khi hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Chiang Mai, chúng tớ làm thủ tục nhập cảnh rồi bắt taxi sân bay đi về hostel. Đây là cách nhanh gọn nhất và cũng không quá đắt đỏ, 150 THB (tầm 110K Việt Nam) cho quãng đường tầm 5 – 6km từ sân bay đến khu Old City của 2 người. Tất cả những gì bạn cần làm là ra quầy bán vé nằm đối diện cửa Exit chỗ lấy hành lý để mua vé, nói địa điểm cần đến để nhân viên điều hành ghi vào vé cho bạn, cầm vé ra chỗ nhận xe (cứ theo hướng chỉ của nhân viên điều hành nhé), thảnh thơi leo lên taxi được chỉ định cho mình, và đến cuối con đường thì thanh toán trực tiếp cho bác tài.

Bọn tớ chọn ở Fundee Hostel ở khu Old City, không quá xuất sắc về mặt cơ sở vật chất (cũng không có ăn sáng luôn ạ) nhưng được cái gần các địa điểm ăn chơi nhảy múa. (Bạn nên book phòng tại khu Old City, tiện đi lại và nếu bạn đi bộ thì cũng tiết kiệm tiền di chuyển nữa). Giá phòng riêng cho 2 người 2 đêm ở Fundee Hostel là khoảng hơn 1 triệu. Bọn mình hiểu đây là mùa thấp điểm thôi, chứ mùa cao điểm (như tháng 11 chẳng hạn), giá phòng sẽ cao hơn nhiều.

Wat Chiang Man

Sau khi cất đồ cũng là tầm 5 giờ chiều, hai chị em quyết định đi bộ khám phá khu Old City luôn. Điểm đến đầu tiên chúng tớ đi là Wat Chiang Man. Đây là ngôi chùa lâu đời nhất tại Chiang Mai, được xây vào khoảng thế kỷ 13. Tiếp đó chúng tớ đi đến Three Kings Monument (Tượng đài 3 vua), cách Wat Chiang Mai có 500 mét thôi nhé. Vì chúng tớ đến Chiang Mai vào đúng chủ nhật nên có Sunday Night Market (chợ phiên ngày chủ nhật) và Three Kings Monument cũng là nơi mà bạn có thể tới và bắt đầu hành trình khám phá chợ đêm.

Xôi xoài 35 bath ở Sunday Night Martket

Sunday Night Market có gì?

Sunday Night Market có những quầy hàng ăn siêu ngon siêu rẻ, bọn tớ đã ăn Xôi Xoài ở chợ chỉ với giá 35 THB (~ 25K Việt Nam), ăn 1 bát Tom Yum Shrimp 50 THB (~ 35K Việt Nam) đầy ú ụ, ăn Khao Soi, Xúc Xích, uống đủ các thể loại Sinh Tố… Trong 3 địa điểm mà bọn tớ chọn ghé chân, Chiang Mai là nơi tớ thấy hợp khẩu vị ăn uống của tớ nhất. Đồ ăn ngon, không quá chua và không quá cay, mà quan trọng là rẻ ấy, rẻ dã man. Các bạn đến Chiang Mai nhất định hãy ăn Tom Yum và Khao Soi nhé. Tom Yum ngon nổi tiếng rồi ai cũng biết còn Khao Soi thì là mỳ xào giòn lên, nước dùng có vị cà ri nên ăn sẽ hơn nhanh ngán đó.  Sunday Night Market cũng có những quầy hàng handmade siêu dễ thương (móc chìa khóa hình tuk tuk, voi Thái có khắc tên bạn hoặc người thương nè …) khiến bạn chỉ muốn mua cả cửa hàng của người ta về nhà. Chợ đêm Chiang Mai bán tất cả mọi thứ và hầu hết những đồ này bạn hoàn toàn có thể tìm được ở Bangkok (và giá ở Bangkok rẻ hơn đáng kể so với Chiang Mai). Đấy chỉ là hầu hết thôi nhá, còn đồ handmade thì các bạn thấy đẹp thì cứ quất về thôi. Chúng tớ đã mua mấy cái móc chìa khóa có ghi tên mình và người iu, có 20 THB (~ 14K Việt Nam)/cái à, mà bác chủ thì nâng niu gói ghém từng cái móc luôn, còn dặn phải hong 5 phút mới khô nữa.

Ngày 2: Khám phá Chiang Mai nào    

Để tiết kiệm chi phí cũng như để chủ động, chúng tớ quyết định thuê xe máy để có thể khám phá tất tật Chiang Mai. Các bạn nhớ là ở Việt Nam hãy đăng ký đổi bằng lái xe quốc tế nhé. Đổi đơn giản lắm, chỉ cần lên trang web dichvucong của Tổng cục đường bộ Việt Nam điền thông tin và đóng tiền là bạn có ngay bằng lái xe quốc tế rồi ấy. Chứ sang bên Thái lái xe không có bằng, bị công an sờ gáy là bye bye 300 – 400 BTH luôn và ngay đó. Và nhớ là người Thái lái xe bên trái đường nhé. Giá thuê xe của bọn tớ là 250 BTH (bọn tớ nhờ chủ hostel gọi cho nên bọn tớ đoán là giá cao hơn ở ngoài một chút, nhưng được cái tiện là không phải tìm chỗ thuê xe và đi lại mất công), có hiệu lực đúng 24g kể từ lúc bạn thuê xe nhé. Các bạn có thể đặt cọc 3.000 BTH (~ 2,4 triệu VND) (giá có thể cao hơn nếu xe của bạn “hịn” hơn) hoặc hộ chiếu để thuê xe nhé.

Ho Kham Royal Pavilion
Thai Tropical Garden

Nào mình cùng đi Royal Park Rajapruek (cách Old City tầm 11km): Lúc bọn tớ search thông tin trên mạng đã thấy nơi này rất đẹp và rộng rồi nhưng không ngờ ở ngoài đời còn đẹp hơn cả trên ảnh và rộng cực kỳ luôn ấy (đi cả ngày có khi cũng chẳng hết). Giá vé là 100 BTH/người (~ 70K Việt Nam), và theo bọn tớ là rất đáng đồng tiền bát gạo khi vào đây. Để khám phá nơi này, bạn có thể thuê xe đạp, đi xe điện (cái này free nhé, tầm 15 phút có 1 chuyến và sẽ đưa bạn đi đến tất cả những điểm tham quan chính của công viên) hoặc đi bộ. Hãy nhớ lấy bản đồ khi mua vé để bạn có thể biết được mình đang ở đâu và sẽ khám phá những gì nhé. Công viên có rất nhiều khu khác nhau như Ho Kham Royal Pavilion, Thai Tropical Garden, International Gardens,… khu nào cũng rất sáng tạo và được chăm chút kỹ lưỡng ấy. Có cả vườn theo phong cách Việt Nam ấy (nhưng quả vườn này thì bọn tớ không thấy giống Việt Nam lắm), nhưng vườn Nhật thì rất giống … Bọn tớ đã dành cả 1 buổi sáng để khám phá nơi này, và nếu được thì chắc chắn mai sau chúng tớ sẽ quay lại đây thăm thú nốt những gì bọn tớ chưa kịp đi.

Wat Umong

Rời khỏi Công viên hoàng gia, chúng tớ ăn trưa rồi đi đến Wat Umong. Ngôi chùa này nằm ở chân núi Suthep, được bao bọc xung quanh bởi những cánh rừng già. Chùa nổi bật với những đường hầm cổ uốn lượn. Phía bên ngoài khuôn viên chùa được bao phủ bởi màu rêu phong cổ kính. Đi vào trong hầm, bạn sẽ bắt gặp những mảng tường đã bóc vữa, nền gạch xiên vẹo, ánh nến mờ ảo khiến cho bạn có cảm giác vô cùng huyền bí.

View toàn cảnh thành phố Chiang Mai từ Wat Phrathat Doi Suthep

Từ Wat Umong chúng tớ lái xe lên trên núi Suthep, khám phá Wat Phrathat Doi Suthep nơi được mệnh danh là ngôi chùa thiêng liêng nhất ở Chiang Mai. Đường đi lên núi Suthep rất to và đẹp, không khí trong lành và dễ chịu vô cùng. Mất tầm 40 phút thì bọn tớ lên được đến Wat Phrathat Doi Suthep. Đứng ở khuôn viên chùa, bạn có thể ngắm toàn bộ Chiang Mai, thích thú vô cùng.

Coconut pie – Woo Cafe & Art Gallery

Nghe thiên hạ đồn là Chiang Mai có rất nhiều quán café đẹp nên bọn tớ cũng bon chen đi cho biết. Chúng tớ chọn Woo Cafe & Art Gallery, một quán café được review rất tốt đồng thời khá gần chợ đêm Bazaar để tối chúng tớ tiện di chuyển. Bọn tớ đã thử bánh dừa và blueberry ở đó, cả 2 loại đều bánh đều lạ miệng và khá ngon. Deco của quán sang trọng, rất thích hợp để check in sống ảo. Nhưng giá rổ ở đây thì khá chát (so với mặt bằng chung của Chiang Mai) đấy ạ, các bạn nhớ giữ vững tinh thần khi vào đây nhé ^^.

Những quán cafe độc đáo ở Chiang Mai

Pad Thai

Điểm đến cuối cùng trong ngày đó chính là Bazaar Night Market. Chúng tớ đã phải mất đến nửa tiếng để tìm được chỗ để xe máy vì không có 1 chỗ nào có biển chỉ dẫn đỗ xe ý (trời thì lại còn mưa, đường thì đông và trơn nữa). Nếu ngại khoản gửi xe thì các bạn có thể bắt Songthaew (Song thẻo) hoặc đi taxi ra khu chợ rồi đi bộ thay vì toát mồ hôi tìm chỗ để xe như bọn tớ. Chợ Bazaar tuy có bán mọi thứ trên đời nhưng bọn tớ cũng chỉ đi để biết thôi. Nếu các bạn có ý định đi Bangkok thì hãy về Bangkok mua đồ nhé, vừa rẻ hơn ở Chiang Mai mà các bạn cũng đỡ mất công xách đồ di chuyển nặng nhọc nữa (đấy cũng là lý bọn tớ chọn Bangkok là điểm đến cuối cùng trước khi về Hà Nội). Ở Chiang Mai chỉ có đồ ăn là rẻ hơn (và theo khẩu vị của bọn tớ là ngon hơn) Bangkok thôi, còn đâu tất cả đều đắt hơn. Muốn ăn uống ngon lành ở chợ Bazaar, các bạn có thể vào khu ẩm thực Bazaar, vừa có chỗ ngồi, đồ ăn cũng đa dạng nữa. Bọn tớ đã ăn Pad Thái rất nhiều ở Phuket và Bangkok nhưng đĩa Pad Thái hải sản bọn tớ được thưởng thức ở khu ẩm thực Bazaar là đĩa Pad Thái ngon lành nhất, đầy đặn nhất, và rẻ nhất (80 BTH, tầm 56K Việt Nam thôi mà nhiều tôm và mực lắm ạ).

Ngày 3: Chiang Mai – Phuket

Wat Chedi Luang

Bọn tớ chỉ còn có mỗi 1 buổi sáng ở Chiang Mai nữa thôi nên bọn tớ quyết định đi bộ thăm thú nốt các chùa nằm ở khu Old City như Wat Chedi Luang, Wat Phan Tao,… mà bọn tớ chưa thăm quan. Đợt đấy trời cũng nắng, nên sau khi đi thăm chùa thì bọn tớ còn la cà ở một quán chuyên xoài ngay đối diện Wat Phan Tao ăn Bing Su Xoài nữa ạ. Thêm một cái tiện khi ở gần các địa điểm tham quan đó nhe.

Đến tầm 10g sáng bọn tớ trở về hostel rồi bắt Grab ra sân bay Chiang Mai. Nếu các bạn ở quanh quanh khu Old City bọn tớ khuyên là các bạn nên gọi Grab thay vì nhờ chủ khách sạn book trước taxi cho các bạn nhé. Giá taxi trọn gói niêm yết ở Fundee Hostel của bọn tớ là 200 BTH (bọn tớ đoán là họ có lấy chút hoa hồng trong việc gọi taxi giúp mình), trong khi bọn tớ đi Grab mất có hơn 90BTH (chưa đến 70K Việt Nam) một tẹo thôi ấy (đã bao gồm cả phí gọi taxi mà Grab tính cho người sử dụng rồi). Theo bọn tớ hiểu thì taxi ở Thái rất rẻ, còn hơn cả ở Việt Nam ấy, nhưng để gọi được họ, và để họ chấp nhận bật đồng hồ tính cước theo số km mình đi là rất khó, hên xui thôi.

Chúng tớ bay chuyến 13h của Air Asia tới Phuket, giá vé là 4 triệu cho hai chị em, đã bao gồm 20kg hành lý ký gửi chị tớ mua thêm lúc đặt vé, nhưng không có đồ ăn trên máy bay (nếu muốn ăn thì bạn phải mua thêm). Mất 2 tiếng bay để tới nơi (từ cực bắc đến cực nam của Thái Lan cơ mà), điều đầu tiên các bạn nên làm khi ở sân bay Phuket đó là lấy cho mình 1 cái túi hướng dẫn du lịch màu vàng (cái này free) được bày rất nhiều ở khu lấy hành lý nha. Trong cái túi vàng đó không chỉ có bản đồ các thứ mà còn có code giảm giá 300 BTH của Grab đó (lúc bọn mình tìm thấy cái code mà có cảm giác như bắt được vàng luôn).

Từ sân bay Phuket tới khách sạn, các bạn có thể chọn đi minivan/minibus (khoảng 150 BTH/người), bắt taxi, hoặc đi Grab. Vì bọn tớ đã vớ được code giảm giá nên thay vì đi minibus (và mất thời gian đợi người ta đi lòng vòng trả khách), bọn tớ quyết định “xài sang” chi 700 BTH (~ 500K Việt Nam) để đi từ sân bay Phuket về tới khách sạn của bọn tớ ở Patong luôn (giá gốc trọn gói là 1000 BTH/xe nhé). Xe Grab của bọn tớ là xe 16 chỗ luôn mà có mỗi bọn tớ ấy, nên nếu các bạn đi đông thì cứ Grab mà gọi, đi thẳng 1 mạch không phải chờ đợi ai. Phuket có 2 khu du lịch chính là khu Patong và khu Old Town, bọn tớ chọn ở khu Patong, cách tầm 1 tiếng từ sân bay tới khách sạn nơi bọn tớ thuê. Bọn tớ chọn ở Memory Boutique Patong hotel, phòng ốc không có gì xuất sắc, nhân viên cũng không quá thân thiện, nhưng được cái tiện ăn chơi. Giá phòng là 1,2 triệu cho phòng riêng 2 người (không bao gồm ăn sáng) cho 3 đêm ở Phuket (các bạn lưu ý đây cũng là giá mùa thấp điểm nhé, bọn tớ đi đúng đợt monsoon giữa tháng 6, mưa gió thất thường sợ gần chết luôn huhu)

Check in phòng xong xuôi là tầm 5g chiều, bọn tớ đi dạo quanh Bãi Biển Patong. Hôm bọn tớ đến trời thì mưa, lại có gió nữa nên bọn tớ chỉ thấy sóng ở Patong Beach rõ là to, to ơi là to, nhiều người (như bọn tớ) sợ không dám tắm biển thì phải nên cũng không đông lắm.

Vé Simon Cabaret Show

Sau khi đi dạo, đi ăn tối, bọn tớ đi xem Simon Cabaret Show – The Ladyboys Show. Cái show này là show chuyển giới (do những người chuyển giới họ biểu diễn ấy), bọn tớ đã đặt mua vé trước từ nhà qua Klook, đến nơi chỉ cần đưa tờ booking, lấy vé rồi vào chọn chỗ ngồi là xong. Giá vé tầm 400 nghìn/ người cho hạng ghế phổ thông nha. Show chuyển giới kiểu như thế này ở bên Thái rất nổi tiếng, mọi người hoàn toàn có thể mua vé xem ở Bangkok hoặc Pattaya cũng được. Các tiết mục trong show đều rất mang tính giải trí và được đầu tư công phu, xem mà cảm thấy thực sự thư giãn ấy. 1 lưu ý nho nhỏ là các cậu sẽ không được chụp ảnh hay quay phim trong lúc show diễn ra nhé. Kết thúc show, mọi người có thể ở lại để chụp ảnh với các nghệ sĩ biểu diễn, tầm 70 BTH 1 lần chụp. Bọn tớ chọn show diễn lúc 9g tối, xem xong là gần 10g nên bọn tớ đi bộ về khách sạn chứ cũng không nán lại chụp ảnh nữa.

Ngày 4: Quẩy tung Phuket                                       

Lưu ý là các địa điểm tham quan ở Phuket đều rất xa nhau, cả chục km đường núi trở lên nhé, nên sẽ rất tốn kém nếu các bạn đi taxi, tuk tuk hay song thẻo (trừ khi các bạn đi một nhóm đông tầm 4 người trở lên). Vì thế cách tốt nhất và tiết kiệm nhất (mà lại khám phá được nhiều nhất) là thuê xe máy và tự đi. Tuy nhiên bọn tớ cũng lưu ý là đường xá ở Phuket tuy đẹp nhưng dốc, cua tay áo rất nhiều, đường thì đông và lái xe thì ẩu như (và thậm chí) hơn người Việt Nam nhé, chứ không dễ đi như Chiang Mai đâu ạ. Đợt bọn tớ đi lại còn mưa nữa, nhưng hai chị em vẫn quyết định liều lĩnh đi xe máy – một trong những quyết định liều lĩnh để đời ạ (nghĩ lại giờ vẫn còn thấy mình cao số)

Người dân Phuket bình minh rất muộn, các hàng quán hầu hết đều mở sau 10h sáng, và bọn tớ đã phải rất rất vất vả mới kiếm được 1 cửa hàng cho thuê xe máy mở cửa vào lúc 8h sáng. Ở Phuket nếu các bạn không có bằng lái xe quốc tế thì chưa chắc đã thuê xe máy được đâu nhé. Như ông chú cho bọn tớ thuê xe đã kiểm tra rất kỹ giấy tờ của tớ trước khi đồng ý cho hai chị em thuê xe. Giá thuê xe máy ở Phuket dao động từ 200 đến 300 BTH tùy loại xe, và các bạn sẽ có nghĩa vụ đổ đầy bình xăng cho chủ cửa hàng khi trả xe nữa nhé (thực ra là đến lúc về người ta “bắt” bạn mua xăng của hàng nhà người ta đến khi đầy như lúc đầu thì thôi, nếu bạn muốn rẻ thì có thể tự mua ở cây xăng, nhưng tìm cây xăng ở khu Patong thì không dễ đâu ạ). Bạn sẽ phải đặt khoảng 10.000 BTH (tầm 7 triệu VND) hoặc hộ chiếu bản gốc lại cho họ để thuê xe nữa đấy (bọn tớ nghĩ nếu xe “hịn” hơn thì giá đặt cọc sẽ cao hơn và ngược lại).

mũi Promthep Cape

Điểm đầu tiên chúng tớ khám phá đó chính là mũi Promthep Cape (tầm 20km từ Patong Beach). Nghe đồn đây là điểm đón hoàng hôn đẹp nhất ở Thái Lan (và đối với người bản địa, đây là nơi vô cùng linh thiêng nữa), rất tiếc là bọn tớ không đi đến đấy vào lúc hoàng hôn nhưng mà cũng thấy đẹp mê li rồi ấy. Bọn tớ bị mê hoặc bởi màu xanh trong của nước, của các hòn đảo sừng sững giữa biển, của bầu không khí thoáng đãng và rất đỗi trong lành. Đây là địa điểm “must come” khi tới Phuket nhé, bọn tớ tưởng tượng chắc nếu đến đúng hoàng hôn thì khung cảnh sẽ siêu lãng mạn, siêu đẹp ấy, tiếc quá tiếc quá.

Kata Beach

Rời khỏi Promthep Cape, bọn tớ di chuyển đến Kata Beach. Khác với bãi biển Patong đông đúc, Kata Beach còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình cực kỳ. Xung quanh bãi tắm này chỉ có resort và hầu như không có các nhà hàng hay quán xá nên những khách du lịch tắm ở Kata chủ yếu là khách nghỉ ở các resort, do đó mà vắng vẻ hơn rất rất nhiều so với Patong.

Phuket Old Town

Dù đã là gần giữa trưa nhưng vì khu Kata Beach chẳng có quán xá gì nên bọn tớ quyết tâm đến Phuket Old Town (khu phố cổ Phuket) rồi mới ăn (cũng phải cách Kata Beach tầm 20km đó). Lại một chỗ rất khó tìm chỗ đỗ xe nơi đất Thái. Sau khi đậu được xe và lấp đầy cái bụng (hôm ấy bọn tớ che ô đội mưa đi tìm chỗ ăn), bọn tớ đi kiếm cho mình một bản đồ Phuket Town Treasure được phát tại cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) trên đường Thalang. Khu phố cổ ở Phuket khiến bọn tớ liên tưởng tới khu phố cổ Hà Nội, ở đó cũng có những ngôi biệt thự cổ, cũng có 1 nét gì đấy thật xưa. Bọn tớ đã dành 3 tiếng để lang thang ngắm phố phường, xà vào những hàng quán lề đường ăn ngon lành những món ăn truyền thống, hòa mình vào không khí bình yên, tĩnh lặng trước khi quay về Patong.

Buổi tối chúng tớ đi bộ đến Jungceylon Shopping Complex (ở Patong). Khu phức hợp này có đủ thứ trên đời luôn, từ đồ bình dân đến cao cấp, hàng quán cũng rất phong phú, đồ Âu, đồ Á và đồ ăn truyền thống của Thái đều có cả. Bọn tớ mua gà nướng BigC (nằm trong khu phức hợp này luôn) về khách sạn ăn, kết thúc tốt đẹp một ngày phượt hiệu quả tiết kiệm ạ.

Ngày 5:  Đi tour ra Koh Phi Phi

Pileh Cove
Pileh Cove

Theo chính lời của bác tài đưa bọn tớ từ sân bay Phuket về khách sạn, nếu đến Phuket mà chưa ra đảo thì coi như là chưa đến Phuket. Thế nên các bạn đừng quên dành hẳn 1 ngày để ra đảo nhé.

Ngay từ ở nhà bọn tớ đã đặt Day tour tham quan đảo Bamboo và Koh Phi Phi bằng tàu Speedboat (từ Phuket) của KKday nên đến ngày đến giờ thì bọn tớ chỉ việc xách balo lên và đi thôi. Tài xế sẽ đón bạn từ khách sạn, và cũng đưa bạn về lại khách sạn vào buổi chiều, nên bạn không cần chuẩn bị gì nhiều ngoài một sức khỏe thật tốt. Nếu không muốn đặt tour trước, các bạn có thể đến Phuket, lựa thời tiết rồi mua tour trực tiếp ở cửa hàng để tránh trường hợp thời tiết xấu tour sẽ bị hủy ấy. Giá tour bọn tớ book trên KKday là tầm 1 triệu rưỡi/ng nhé. Thông tin chi tiết về tour cũng như lịch trình các bạn có thể xem trực tiếp trên web của KKday nhé. Các bạn cũng có thể tự thuê phà (hoặc tàu) và đi, nhưng bọn tớ đoán sẽ mệt mỏi và khó khăn hơn nhiều so với việc các bạn mua tour ra đảo đấy.

Day tour tham quan đảo Bamboo và Koh Phi Phi

         Một trong những điều bọn tớ thích nhất ở tour này đó là bọn tớ đã được trải nghiệm lặn (lặn ống thở nhé, không phải lặn bình đâu ạ). Nước ở Loh Samah Bay xanh và trong cực kỳ cùng với đó là sự đa dạng sinh thái của hệ thống san hô khổng lồ, lặn thích dã man ấy.

         Tầm 17h, bọn tớ về lại khách sạn ở Patong rồi đi bộ ra khu Chợ Banzaan ăn uống trước khi đến Bangla Road – nơi nổi tiếng với những quán bar, câu lạc bộ, khu giải trí,… Bangla sẽ là 1 nơi vô cùng phù hợp với những ai thích sự náo nhiệt và nóng bỏng. Các bạn cũng nhớ thử Sầu Riêng ở Phuket nhé, nghe người dân bản địa quảng cáo đây là sầu riêng địa phương và ăn ngon hơn những chỗ khác. Với bọn tớ, vì chưa thử sầu riêng ở Chiang Mai và Bangkok nên cũng không biết sầu riêng ở Phuket có ngon hơn thật không, chỉ dám khẳng định là NGON thôi ạ. Giá cũng khá chát, 200 – 300 BTH/múi đã được tách vỏ sẵn (tùy vào độ dày, độ chín của múi), nhưng cũng đáng đồng tiền bát gạo. Bọn tớ khuyên là các bạn nên mua Sầu Riêng ở những xe chuyên bán Sầu Riêng ấy nhé, sẽ rẻ hơn một chút (và thậm chí ngon hơn) Sầu Riêng bán ở các sạp hoa quả ngoài chợ.

Ngày 6: Bangkok thẳng tiến

Bọn tớ bay chuyến 6h25 của Nok Air từ Phuket đến sân bay Don Muang – Bangkok (thật ra chuyến bay gốc của bọn tớ là 7g50 cơ, nhưng tự nhiên nhận được email thông báo Nok Air hủy chuyến bay, thế là bọn tớ phải cuống cuồng gọi điện cho Nok Air để chọn chuyến khác, xong rồi lại phải đổi lại lịch đặt xe ra sân bay mà bọn tớ đã book trước đó trên KKDay nữa chứ L). Do đi từ sáng sớm, nên bọn tớ cẩn thận book xe trên KKDay trước để ra sân bay (khoảng tầm 600K Việt Nam, giờ đón sáng sớm như của bọn tớ thì đắt hơn một chút). Tài xế ở đây cẩn thận lắm, họ đến khách sạn đón trước 3 tiếng trước giờ bay, thành ra ra sân bay lại thành sớm, cũng phải đợi. Các bạn nếu có contact của taxi nào thì cũng có thể đặt trước, có lẽ giá sẽ rẻ hơn được một chút.  

Từ sân bay Don Muang, bọn tớ bắt xe bus A1 về trạm BTS Mo Chit (trung tâm thành phố). Giá vé cho mỗi người là 30 BTH, các bạn cứ xếp hàng tại bến ở sân bay rồi lên xe, trong lúc di chuyển sẽ có bác phụ xe đến thu tiền vé của từng người một ấy. Vì Bangkok tắc đường 1 cách kinh khủng khiếp nên bọn tớ mất gần 1 tiếng đồng hồ mới tới được BTS Mo Chit. Ở Bangkok bọn tớ chọn ở Atlas Bangkok Hotel (1,5 triệu cho 2 đêm ở Bangkok nhé), cách Nana BTS Station có vài chục mét nên đi lại rất tiện. Khách sạn này cơ sở vật chất khá cũ kỹ, nhân viên cũng giao tiếp tiếng Anh kém nữa, nhưng mà được cái cực gần Nana BTS Station nên bọn tớ cũng tạm hài lòng. Ở Bangkok thì xác định là kẹt xe dữ lắm, nên nếu được thì tốt nhất nên đi BTS (kiểu đường sắt trên cao) hoặc MRT (tàu điện ngầm ấy). Để di chuyển bằng BTS tại Bangkok, các bạn có thể mua vé trực tiếp tại quầy bán vé, cứ nói cho họ trạm mà mình muốn đến, đi bao bến trả tiền bấy nhiêu. Chuyến này bọn tớ không sử dụng MRT nên cũng không biết cách thức mua vé ở MRT như thế nào.

Wat Traimit

Địa điểm thăm quan đầu tiên chúng tớ khám phá khi tới Bangkok đó chính là Khu China Town. Từ chỗ bọn tớ ở có thể bắt bus đến China Town (theo chỉ dẫn của cụ Gúc gờ), nhưng vì vừa nắng lại không biết tiếng nên bọn tớ quyết định không đi bus mà đi taxi (nhưng yêu cầu bác tài bật công-tơ-mét lên, nên cũng chỉ mất tầm 80 BTH, ~ 56K Việt Nam để đến China Town thôi). Tại China Town, các bạn có thể thăm quan chùa Wat Traimit, China Gate, đường Yaowarat. Đường Yaowarat là nơi tập trung của vô số tiệm vàng (nhiều cực) và là một con phố ẩm thực cái gì cũng có ở Bangkok. Các bạn sẽ hoa mắt bởi đủ loại hàng quán hấp dẫn trải dài từ đầu phố đến cuối phố mà giá cả vô cùng phải chăng luôn. Đến Bangkok nói chung và China Town nói riêng các bạn nên thử Nước Quýt nhé (người Thái thường gọi là orange juice nhưng thực ra là Nước Quýt ấy), rẻ mà ngon (tầm 30 BTH – 50 BTH/chai thôi). Tại đây bọn tớ cũng ăn một bát Mỳ Thập Cẩm ở một quán vỉa hè (70 BTH/bát có đầy đủ giò, cá, tôm), ăn Xúc Xích ở chợ, ăn Dứa, uống Nước Quýt, Nước Lựu nữa.

Sau khi đã ăn uống đã đời ở China Town, bọn tớ thẳng tiến tới Khu Siam mua sắm. Để đến Khu Siam thì bọn tớ đi thử tuk tuk cho biết thế nào là mùi vị của phương tiện giao thông đậm chất Thái. Giá tuk tuk đắt ngang ngửa với giá taxi, nhưng dễ bắt hơn taxi nhiều, bọn tớ đã từng vẫy nhiều taxi và họ từ chối chở nếu đi quá gần (và lại trong giờ tắc đường ấy). Các bạn nhớ trả giá khi đi lại bằng tuk tuk nhé, ví dụ lúc đầu bác lái xe đòi 200 BTH cho quãng đường từ China Town về Siam, thì bọn tớ chỉ trả 120 BTH thôi. Khu Siam gồm rất nhiều trung tâm thương mại hoành tráng như Siam Center, Siam Paragon và Siam Discovery. Ngoài ra thì MBK Center và Central World cũng khá gần 3 trung tâm thương mại nói trên. Bọn tớ đã lạc ở Siam không biết bao lần vì khu này quá ư là rộng, bọn tớ chẳng biết là mình đang ở trung tâm thương mại nào nữa ấy. Đến với Siam, các bạn sẽ chỉ muốn mở ví dinh ti tỉ thứ hay ho đẹp đẽ về nhà ấy. Một nơi tuyệt vời để bạn có thể shopping (nhưng mà giá cả thì chát chúa ra phết nhé).

Nhân tiện đang có hứng shopping, bọn tớ di chuyển đến Terminal 21 (có BTS thẳng từ Khu Siam sang Terminal 21 luôn các bạn nhé). Khác với các trung tâm thương mại khác, mỗi tầng của Terminal 21 được thiết kế theo chủ đề của các thành phố khác nhau trên thế giới, đâu cũng là nơi các bạn giơ máy lên sống ảo được. Một trong những điểm nổi bật nữa của trung tâm mua sắm này đó chính là đồ ăn vô cùng vô cùng đa dạng. Tầng 4 và tầng 5 của Terminal 21 được lấy cảm hứng từ San Francisco, nơi mà bạn sẽ tìm thấy hơn 50 quán ăn và quán café vẫy gọi sự chú ý của bạn. Nếu bạn muốn trải nghiệm food court thì hãy đi thẳng đến Pier 21 ở tầng 5 nha. Bạn có thể tìm thấy Dim Sum (Sủi Cảo), Pad Thai, Mỳ Gà Quay, Mỳ Lòng, Tom Yum, Xôi Xoài, Đá Bào và nhiều nhiều những thứ khác nữa, món nào cũng ngon tuyệt cú mèo và giá cả thì vô cùng hạt dẻ. Để thưởng thức đồ ăn ở food court thì các bạn phải nạp tiền vào một thẻ chuyên dụng mua ở quầy vé nhé, khi bạn mua đồ ăn ở quầy nào thì người ta sẽ trừ tiền vào thẻ của bạn, thay vì nhận tiền mặt.

Ngày 7: Khám phá cung điện và Chao Phraya

Grand Palace

Để thử cho đủ các phương tiện ở Bangkok, bọn tớ quyết định sẽ đi phà và tàu để tới các điểm đến nằm dọc sông Chao Phraya. Điểm đến đầu tiên trong ngày là Grand Palace (Hoàng cung Thái Lan). Từ khách sạn ở Nana BTS Station, bọn tớ đi đến BTS Saphan Taksin, ra khỏi exit của BTS đi xuống cầu thang là thấy bến sông mang tên Sathorn. Sau đó bọn tớ vào mua vé Chao Phraya Express Boat (cờ cam), chỉ 15 BTH/người (~ tầm 10K Việt Nam) thôi nhé. Từ bến sông Sathorn chạy tầm 8-9 bến thì sẽ tới bến sông giáp Grand Palace, nhân viên soát vé trên thuyền sẽ hét lên: “Grand Palace, Grand Palace” để báo hiệu cho du khách nên các bạn không lo sẽ bị lạc đâu. Giá vé vào hoàng cung là 500 BTH/người (tận ~ 350K Việt Nam lận), tuy đắt đỏ nhưng đây là điểm mà các bạn nên đến khi đến thăm Bangkok (nếu thiếu nơi này thì coi như chưa đi Bangkok đâu nha). Các bạn nhớ mặc quần dài chạm mắt cá chân, hoặc váy quá đầu gối và áo có tay nhé. Như tớ mặc quần qua đầu gối cũng không được vào, phải lóc cóc xếp hàng mua cái quần con voi để mặc ra ngoài mất tận 200 BTH (trong khi cái quần voi đó ở ngoài có 100 BTH là cùng). Grand Palace rất rộng và đẹp nữa (đẹp kiểu tinh xảo ấy) nên các bạn nên dành nhiều thời gian 1 chút để thăm thú nơi này. Một điều hơi đáng tiếc là bọn tớ không tìm được guide book bằng tiếng Anh (có bản tiếng Trung phát miễn phí cho du khách, nhưng bản tiếng Anh thì bọn tớ không thấy), cộng thêm tiết trời quá oi bức nên bọn tớ cũng hơi bị cưỡi ngựa xem hoa một chút, về nhà nghĩ lại cũng thấy hơi tiếc.

Wat Pho

Rời khỏi Hoàng cung, bọn tớ đi bộ sang chùa Wat Pho (nằm ngay cạnh Grand Palace), ngôi chùa lớn nhất Bangkok, nổi tiếng với các bảo tháp cao đẹp và bức tượng Phật nằm nghiêng khảm vàng rất rất lớn. Giá vé 100 BTH/người (được miễn phí 1 chai nước nhé). Ở đây cũng có dịch vụ massage Thái nữa, nghe nói là rất nổi tiếng, nhưng bọn tớ không thử vì không hợp gu lắm. Gần Wat Pho còn có Công viên Saranrom nữa, nếu thời tiết dễ chịu thì các bạn có thể vào ngắm cảnh. Hôm bọn tớ đi vì nhiệt độ lên đến gần 40 độ nên bọn tớ đã bỏ qua địa điểm này.

Wat Arun

Sau Wat Pho, bọn tớ quay lại bến sông (một bến sông khác gần Wat Pho chứ không phải bến đầu tiên gần Grand Palace đâu nha) rồi mua vé 4 BTH/người để đi tới chùa Wat Arun – chùa Bình Minh (mất tầm 5 phút đi phà từ bờ bên này sông đến bờ bên kia sông là tới). Đây là ngôi chùa có kiến trúc đẹp và đặc biệt nhất mà bọn tớ đã từng thấy. Các bạn có thể chụp ảnh Wat Arun khi các bạn đi phà trên đường đến Grand Palace cũng được, khung cảnh sẽ hoành tráng hơn nhiều. Nếu có thể, hãy đón hoàng hôn ở Wat Arun nhé. Mặc dù là chùa Bình Minh, nhưng đây là một trong những nơi đón hoàng hôn đẹp nhất Bangkok đó.

Asiatique

Địa điểm cuối cùng trong ngày của bọn tớ là Asiatique. Các bạn có thể đi lại phà màu cam Chao Phraya Express Boat để quay lại bến sông Sathorn, rồi từ đó bắt phà thêm 1 chuyến nữa (chuyến này nếu bọn mình không nhầm là miễn phí) từ bến Sathorn sang Asiatique. Tuy nhiên, để trải nghiệm cảm giác sang chảnh, từ Wat Arun, bọn tớ mua vé của tàu du lịch (cờ xanh biển) đi thẳng tới Asiatique luôn (50 BTH/người nhé). Tàu này đi chậm và đắt hơn Chao Phraya Express Boat nhưng lại có hai tầng để du khách có thể ngắm quang cảnh hai bên sông, có cả thuyết minh bằng tiếng Anh giới thiệu các điểm nữa. Hoàn toàn đáng để các bạn thử. Asiatique là một khu phức hợp khổng lồ, các khu ở đây được chia thành từng khu như Factory là khu vực mua sắm, khu Waterfront để bạn ăn uống bên cạnh bờ sông Chao Phraya mát rượi, khu Down Square với phong cách hỗn hợp Thái Lan và Châu Âu. Khu này khá là mới nên không phổ biến với khách du lịch lắm thì phải, bọn tớ hầu như chỉ thấy người Thái đi mua sắm, ăn uống ở đây thôi. Bọn tớ đã tìm mua được rất nhiều đồ handmade độc đáo, giá cả chấp nhận được, quần áo bày bán cũng đặc biệt, không bị kiểu đại trà ấy, mỹ phẩm làm từ sản phẩm thiên nhiên kiểu như son dưỡng môi, kem tẩy da chết khá đa dạng và dùng rất được. Đồ ăn tuy hơi đắt nhưng được cái xắt ra miếng. Asiatique thực sự là điểm mà bọn tớ cảm thấy muốn quay lại nhất ở Bangkok.

Ngày 8: Bangkok – Hanoi                                    

Bọn tớ chọn bay chuyến 7g tối của Vietnam Airlines để về Hà Nội, tuy có đắt một chút (5,2 triệu/2 người) nhưng sẽ có nhiều thời gian hơn để đi chơi ngày cuối tuần ở Bangkok.

Chợ cuối tuần Chatuchak. Nghe đồn đây là chợ mua sắm ngoài trời lớn nhất Châu Á, quả không sai ấy. Rộng kinh khủng, kiểu có thể đi cả ngày không hết ấy. Để tới chợ, các bạn có thể đi BTS rồi dừng lại ở trạm Mochit, ra khỏi BTS và đi theo các bảng hướng dẫn dọc đường lớn để đến chợ Chatuchak nhé. Chợ Chatuchak như một “kho hàng” cực kỳ rộng lớn và có đủ mọi loại hàng hóa: quần áo, phụ kiện thời trang, giày dép, quà lưu niệm, trang sức, tinh dầu…; đủ loại đồ ăn: Pad Thai, Xôi Xoài, Kem Dừa, Gà Chiên, Hải Sản,… với giá cả mà đối với bọn mình là rẻ nhất ở Bangkok. Chỉ cần bạn thích đồ ăn ngon hoặc bạn thích đi mua sắm, hay muốn mua quà lưu niệm cho người thân, bạn bè, chợ Chatuchak sẽ là lựa chọn vô cùng chuẩn xác để khám phá, bọn mình hôm đấy đi chợ chỉ mong là có cái túi ba gang để đựng được hết tất tật những đồ bọn mình thích ấy.

Bye bye chợ Chatuchak, bọn tớ về khách sạn lấy đồ rồi ra sân bay Suvarnabhumi. Nếu đi bằng BTS, các bạn hãy đến Phaya Thai Station, sau đó mua vé Airport Rail Link đến sân bay nhé. Thời gian đi tổng cộng mất khoảng 40 phút, 80 BTH/người. Và tất nhiên, nếu dư dả thời gian, tiền bạc, các bạn hoàn toàn có thể mua sắm hàng miễn thuế ở sân bay.

Các lưu ý

Chuyến đi này là một trong những chuyến đi thành công nhất của hai chị em về mặt tổ chức. Bọn mình cũng rút ra được kha khá kinh nghiệm và lưu ý như sau:

  • Các bạn hãy lên một lịch trình thật cụ thể và chi tiết để tránh lãng phí thời gian nhé. Nên in hết các thể loại vé máy bay, xác nhận đặt phòng khách sạn v.v… ra để trong trường hợp có ai hỏi, các bạn có thể giải thích được mục đích và dự định lưu trú ở Thái Lan của các bạn. Như bọn mình ngay tại sân bay Nội Bài, người check vé đi Chiang Mai đã yêu cầu bọn mình xuất trình vé quay trở lại Hà Nội đó.
  • Nên mua 1 cái sim 3G/4G để có thể check đường đi lối lại hay gọi điện ở Thái Lan. Nhờ có cái sim này và cụ Gúc gờ mà bọn mình không lo lạc đường, khi Nok Air hủy chuyến bay mình cũng có thể gọi điện và xử lý tình huống được. Mình mua sim TrueMoveH của KKDay nhé, chưa đến 200K Việt Nam và KKDay giao hàng cho bọn mình tại Hà Nội luôn, xuống sân bay lắp sim vào là xài internet và gọi điện ngon lành rồi. Sim này dùng được trong đúng 8 ngày luôn nhé.
  • Nếu bạn quyết định lái xe máy, hãy chuẩn bị bằng lái xe quốc tế và nhớ rằng người Thái lái xe bên trái đường nhé. Khi thuê xe, hãy kiểm tra xe cẩn thận, chụp ảnh xe, biển số xe trước khi thuê nhé.
  • Đa số các khách sạn hay nhà nghỉ bọn mình thuê đều không có ăn sáng. Các bạn hãy cân nhắc mang theo ít đồ từ Việt Nam sang, chứ không phải lúc nào cũng dễ tìm các cửa hàng tiện lợi đâu ạ.
  • Nếu đi lại bằng taxi, nhớ yêu cầu tài xế bật công-tơ-mét. Nếu đi tuk tuk, song thẻo, hãy trả giá.
  • Nếu các bạn muốn đi tham quan được nhiều điểm, đôi khi book một tour địa phương sẽ là một lựa chọn khôn ngoan (mà lại còn rẻ ấy chứ).

Và chốt lại, nếu muốn ăn ngon, hãy đến Chiang Mai; nếu muốn ngắm cảnh đẹp, hãy tới Phuket và nếu muốn mua sắm, hãy tới Bangkok. Tổng chi phí cho chuyến đi này của bọn tớ (không bao gồm tiền mua sắm) là khoảng 17 triệu/người, ăn uống tẹt ga, trong đó có 4 chuyến máy bay nhé J.

Chào Thái Lan và hẹn gặp lại.

 

Bài dự thi của bạn Trần Thị Hà Phương