Sau hơn một năm sống ở nước Ý, mình đã đến thăm khoảng 20 thành phố lớn nhỏ khắp mọi ngóc ngách của đất nước hình chiếc ủng, từ thành phố Milan sang chảnh ở miền Bắc nước Ý, đến thành phố của nghệ thuật Phục Hưng Florence vùng Tuscany miền Trung, rồi thì thủ đô Rome cổ kính và cả hòn đảo lớn nhất vùng Địa Trung Hải tên là Sicily, ở tận mũi của chiếc ủng và cũng là địa phận của các “Bố già”. Yêu nước Ý đến nỗi không thể nào chọn một thành phố yêu thích… cho đến khi mình đến Venice thực tập ở bảo tàng Peggy Guggenheim. Giờ thì Venice không chỉ là thành phố mình yêu nhất nước Ý mà còn là yêu nhất thế giới.

Ảnh của mình ở bảo tàng Peggy Guggenheim

Lịch sử Venice hay cực! Cả thành phố được xây trên một nền tảng vững chắc tạo bởi cả chục triệu trục gỗ sồi cắm vào bùn đất xen kẽ là các mảnh vụn phế liệu và đá. Ai lại cất công ra tận vụng biển để xây dựng một thành phố khó sống như vậy? Chính là những người dân từ đất liền ở các thành phố La Mã lân cận như Padua và Treviso, vì họ phải chạy trốn khỏi quân xâm lược vào thế kỉ thứ 2. Venice gồm hàng trăm hòn đảo nhỏ được nối liền với nhau bởi hơn 400 chiếc cầu gỗ và đá. Năm 1105, ở Venice xảy ra một trận cháy lịch sử, toàn thành phố bị ngọn lửa nuốt chửng trong vòng 24 giờ liên tiếp vì phần lớn nhà cửa được làm bằng gỗ. Sau đó Venice đã được xây lại một cách kiên cố hơn với lối kiến trúc Gothic như ta thấy ngày nay. Vào thời Trung Cổ và Phục Hưng, Venice nổi tiếng là thành phố hàng hải quan trọng của châu Âu. Sự giao thoa văn hoá giữa Venice với Đế Quốc Đông La Mã để lại dấu ấn trong kiến trúc tinh xảo và lạ mắt của thành phố. Đúng là một thành phố có một không hai trên thế giới!

Những chiếc du thuyền chở khách du lịch đến Venice bị người dân địa phương phản đối.

“Tôi chẳng thích Venice tí nào… vì đông đúc quá!” – Một du khách Mỹ đến thăm quan bảo tàng đã nói với mình như vậy. Nhưng dĩ nhiên bà ấy chỉ thuộc 0.99% số người không có thiện cảm với Venice. Chuyện đó cũng dễ hiểu vì vào mùa du lịch (từ tháng 6 đến tháng 9), Venice nhỏ xinh bị hàng chục vạn du khách “tấn công” mỗi ngày và mỗi năm có đến 20 triệu lượt khách đến Venice. Trời thì nóng, người thì đông, đường thì nhỏ, cảm giác ngột ngạt như bắt gặp một trận cháy vậy. Nhưng nếu chỉ sợ đông mà bỏ qua Venice thì là một sai lầm lớn. Vì vẫn có những khoảnh khắc Venice êm đềm tĩnh lặng. Vậy làm sao để tận hưởng Venice một cách trọn vẹn mà thoải mái nhất? Ngay cả chính phủ Ý cũng chưa tìm ra giải pháp triệt để để giảm tải lượng du khách đến Venice, nhưng những gợi ý dưới đây sẽ giúp chuyến thăm Venice lần đầu của bạn phần nào bớt khó khăn.

Nên đi mùa nào và ở bao lâu?

Cuối tháng 4 là mùa hoa tử đằng ở Venice
  • Tốt nhất là tránh mùa du lịch cao điểm và cũng là mùa nóng nhất vào tháng 7 và 8.
  • Mùa xuân tháng 4, 5, 6 và mùa thu tháng 9, 10 là đẹp nhất và chưa đến nỗi quá đông khách du lịch.
  • Nếu đi vào mùa đông thì nên theo dõi mực nước dâng hàng tuần vì thời gian này Venice hay bị ngập, nhất là tháng 11, 12. Chi tiết về mùa nước cao ở Venice: https://europeforvisitors.com/venice/articles/acqua-alta.htm. Hồi tháng 11 mình đi Venice trong ngày thì trời nắng đẹp và không hề bị ngập.
  • Nhiều người nghĩ đi Venice trong ngày là đủ vì trung tâm thành phố khá nhỏ. Mình thì đã đi Venice 4 lần và ở hẳn 3 tháng nhưng vẫn chưa chán. Tốt nhất là dành ra khoảng 3-4 ngày cho Venice để có thời gian thăm các đảo nổi tiếng gần Venice như Burano và Murano. Hãy tham quan Venice theo kiểu “sống chậm” và đừng sợ đi lạc giữa những ngõ ngách nhỏ và đường cụt của Venice! Cảm giác lạc lối ở Venice thú vị lắm đấy!
“Giao thông” ở Venice

Muốn đến Venice tất nhiên là phải đi thuyền gỗ (gondola) chèo bằng tay rồi! Nhưng đó là vào mấy thế kỉ trước, còn bây giờ có rất nhiều cách để đến Venice. Trừ khi hành lý quá cồng kềnh hoặc thuê khách sạn ở Giudecca thì không cần thiết phải đi thuyền. Mọi ngóc ngách của đảo chính ở Venice đều có thể đi bộ tới. Chú ý mang hành lý gọn nhẹ và đi giày thể thao vì ở Venice đường nhỏ và nhiều cầu thang lên xuống.

Nếu đi máy bay có thể tới sân bay gần Venice nhất là Venice Marco Polo Airport. Ngoài ra còn có thể bay tới sân bay Treviso ở Treviso, sân bay Milan–Malpensa ở Milan hoặc đi tàu hoả tới ga tàu Santa Lucia. Từ sân bay Venice Marco Polo Airport có ba cách để tới thẳng Venice:

  • Cách tiện và rẻ nhất: Đi xe buýt số 5 hoặc số 35 tới Piazzale Roma nơi có bến xe buýt chính của Venice.
  • Cách thú vị nhất nhưng hơi lâu: Đi thuyền Alliguna đến bến gần khách sạn nhất. Mọi người thường xuống bến San Marco, trung tâm của Venice.

Cách đắt và nhanh nhất: Thuê thuyền taxi đến thẳng khách sạn.

Nên ở khu vực nào?

Đảo chính của Venice nhìn từ đảo Giudecca

Đối với mình, nơi tuyệt vời nhất ở Venice là đảo Giudecca, nơi dân địa phương chọn sống và rất vắng khách du lịch. Từ đảo Giudecca có thể ngắm nhìn toàn cảnh Venice giữa không gian êm đêm bao la của biển cả. Chỉ ở Giudecca mới thật sự cảm nhận được cuộc sống của người địa phương. Trong khi đó, trung tâm Venice khi không có khách du lịch thì giống như một thành phố bỏ hoang vậy vì người dân bản địa đã bỏ đi gần hết. Tuy nhiên, muốn sống ở đảo Giudecca thì bắt buộc phải đi thuyền, chứ không đi bộ như ở đảo chính được.

Để thuận tiện đi lại nên ở các khu gần ga tàu Santa Lucia như Santa Croce và San Paolo. Khu Dorsoduro có nhiều sinh viên ở nên khá đông vui và nhiều hàng quán rẻ. Nên tránh ở khu San Marco vì đông và đắt. Nếu đến Venice để xem Art Biennale hoặc Architecture Biennale thì nên ở khu Castello.

Gợi ý hành trình 1 ngày (hành trình này đi bộ khá nhiều cả nhà nhé, dành cho những ai chỉ ở Venice 1-2 ngày)

Toàn ảnh quảng trường Thánh Mark nhìn từ bảo tàng Correr
  • Sáng: Tham quan quảng trường Thánh Mark (San Marco) ở trung tâm Venice. Nên đi lúc sáng sớm sẽ đỡ đông hơn. Quảng trường gồm có cung điện của tổng trấn (Doge’s Palace), bảo tàng Correr (Museo Correr), và thánh đường Thánh Mark (Saint Mark’s Basilica). Gần quảng trường có cây Cầu Than Thở (Bridge of Sigh), nếu có thời gian có thể ra xem. Sau đó, đi bộ về phía cầu Rialto.
View từ nóc trung tâm thương mại Fondaco dei Tedeschi

Tham quan những điểm nổi tiếng tại Venice

Ăn trưa ở nhà hàng yêu thích của dân Venice tên là Rosticceria Gislon. Sau đó có thể tráng miệng gelato ở Suso ngay gần đó. Nếu xếp hàng quá dài thì nên bỏ qua vì gelato ở đó chưa phải là ngon nhất. Hàng gelato mình thích nhất tên là L’isola Dei Gelati ở Giudecca.

View Kênh Chính từ bảo tàng Peggy Guggenheim
  • Chiều: Tham quan thánh đường Santa Maria della Salute hoặc một bảo tàng nghệ thuật ở khu Dorsoduro. Nếu bạn mê nghệ thuật thế kỉ 13 đến thế kỉ 18 thì nên đến Gallerie dell’Accademia. Và đừng bỏ qua bảo tàng Peggy Guggenheim, một trong những bảo tàng nghệ thuật hiện đại thế kỉ 20 tuyệt nhất thế giới. Từ bảo tàng có view Kênh Chính rất thơ mộng.
Hoàng hôn nhìn từ thuyền trên Kênh Giudecca
  • Tối: Ra Fondamenta Zaterre ngắm mặt trời lặn trong lúc thưởng thức bữa khai vị gọi là aperitivo (trước bữa tối, người Ý thường có thói quen uống rượu prosecco, vang hay cocktails cùng đồ ăn nhẹ vào khoảng 6 giờ chiều). Ăn tối ở nhà hàng truyền thống Trattoria ai Cugnai dal 1911 ngay gần đó hoặc quay lại San Marco để ăn pizza chuẩn vị Napoli ở nhà hàng Rossopomodoro.

Bonus tips

Hòn đảo sắc màu Burano

Nếu quyết định ở Venice 3-4 ngày trở lên, bạn nên mua thẻ đi thuyền có giá trị 2 ngày hoặc 3 ngày (Mua thẻ online ở đây: https://www.veneziaunica.it/en/e-commerce/services).  Mua như vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều và có thể đến thăm các đảo nổi tiếng như Giudecca, Murano (nổi tiếng về nghề làm đồ thuỷ tinh), Burano (hòn đảo của dân đánh cá với nhiều ngôi nhà sặc sỡ sắc màu), Torcello (nơi có nhà thờ cổ xây từ thế kỉ 7) và Lido (nơi có bãi tắm biển).

Day tour tham quan đảo Burano, Murano & Torcello

Nếu đi Burano, hãy mặc đồ màu sắc nhé!

Cung đường đi thuyền đẹp nhất ở Venice là đường thuyền số 1 và 2 xuất phát từ bến Ferrovia ở đối diện ga tàu hoả Santa Lucia. Thuyền đi dọc Kênh Chính (Grand Canal) qua cây cầu đá nổi tiếng Rialto đến tận San Marco. Trước khi lên thuyền nhớ hỏi lại nhân viên xem thuyền có đi qua Kênh Chính không để tránh nhầm lẫn.

Cuối cùng xin tặng mọi người một câu nói của nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ Peggy Guggenheim (1898 – 1979), bà đã sống ở Venice 30 năm cuối đời và lập nên bảo tàng Peggy Guggenheim tại nhà riêng của mình:

Tạm dịch (bởi người viết):

“Ai cũng nghĩ Venice là địa điểm lý tưởng để hưởng tuần trăng mật. Nhầm to rồi! Sống ở Venice hay chỉ cần đến thăm chỗ này thôi cũng đủ khiến bạn yêu cả thành phố. Trái tim bạn sẽ chẳng còn chỗ để yêu ai khác.” – Peggy Guggenheim

Khi màn đêm buông xuống ở Venice là thời điểm kì diệu nhất

Bài dự thi của Trần Đan Vy